Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” vào Thái Lan để né chiến tranh thương mại
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hoạt động đầu tư và sản xuất sang Thái Lan, được cho là sẽ giúp né được các biện pháp thuế bổ sung chống lại hàng sản xuất tại Trung Quốc.
Theo hãng tin Nikkei Asian Review, mới đây Thái Lan đã chào đón khoảng 500 công ty Trung Quốc. Cũng theo Nikkei, làn sóng đầu tư này sẽ còn tiếp tục “cuộn chảy” khi hai quốc gia dự kiến sẽ ký kết thêm nhiều hợp đồng song phương khác, nhằm kết nối khu vực hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan với dự án Một Vành đai – Một Con đường của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Mega Market Việt Nam và cuộc chơi lớn tại Thái Lan
17:21, 11/07/2018
Cơ hội kết nối thị trường fintech Thái Lan cho startup Việt
04:12, 08/06/2018
Thế giới đang quay lưng với vốn đầu tư từ Trung Quốc?
04:30, 23/08/2018
Phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhiều thị trường mới nổi “chông chênh”
11:30, 23/08/2018
Trung Quốc có dễ “thế chân” Mỹ thực hiện toàn cầu hóa?
12:01, 20/08/2018
Rủi ro từ làn sóng đầu tư bất động sản của Trung Quốc
11:05, 18/08/2018
Động thái này được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, quốc gia hiện đang có nhiều đối đầu thương mại với Mỹ. Việc chuyển hướng đầu tư và sản xuất sang Thái Lan sẽ giúp cho các sản phẩm sản xuất tại đây né được các biện pháp thuế bổ sung chống lại hàng Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng.
Chủ tịch Phòng thương mại Ngoại thương Thái Lan - ông Stanley Kan, nhận xét: “Đây chính là cơ hội mà nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm. Một nơi bên ngoài Trung Quốc để sản xuất, nơi đó cần có tính cạnh tranh đủ cao để có thể giảm bớt tác động từ chiến tranh thương mại đồng thời có khả năng cạnh tranh tốt trên các thị trường toàn cầu”.
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan, ông Uttama Savanayana, cho biết những biên bản ghi nhớ mới ký kết bao gồm nhiều lĩnh vực để giúp đưa EEC trở thành trung tâm của các ngành thế hệ kế tiếp cũng như cho phép kết nối với các khu vực kinh tế đặc biệt tại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam thông qua dự án hạ tầng xe lửa Một Vành đai – Một Con đường của Trung Quốc.
Ông Savanayana cho biết dự kiến sẽ có 17 biên bản ghi nhớ được ký kết, bao gồm hợp tác trong kinh tế số, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ thế hệ thứ 5 và ô tô thế hệ tiếp theo.
Chuyến thăm và làm việc của các nhà đầu tư Trung Quốc đến Thái Lan, là một phần của chương trình họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Thái Lan - Trung Quốc lần thứ 6 diễn ra từ ngày 23-24/8/2018. Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp từ hai nước đã cùng tìm hiểu thêm về việc Thái Lan muốn thu hút thêm nhà đầu tư Trung Quốc vào EEC như thế nào. Đặc biệt, Thái lan muốn thu hút đầu tư Trung Quốc vào hệ thống đường sắt dài 1.500km kết nối giữa Bangkok và thành phố Côn Minh phía Nam Trung Quốc.
Giai đoạn đầu của hoạt động xây dựng dự án này đã bắt đầu từ tháng 12/2017. Toàn bộ hoạt động xây dựng của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023, thời gian di chuyển từ Bangkok đến Côn Minh sẽ chỉ còn lại khoảng 13 đến 14 tiếng.
Tuy nhiên Bộ trưởng Thái Lan cũng khẳng định Thái Lan có chính sách đầu tư cứng rắn với Trung Quốc: “Chúng tôi có luật rõ ràng để quản lý EEC và nếu đầu tư từ Trung Quốc không đáp ứng được luật EEC, họ sẽ không thể đầu tư ở đây. Chính sách và luật rõ ràng sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi rủi ro bị áp đảo. Không chỉ Thái Lan và Trung Quốc mà cả khu vực sẽ cùng nhau phát triển”.
Một quan chức cao cấp Bộ Thương mại Trung Quốc, người đang tham gia soạn thảo các biên bản ghi nhớ, cho biết hàng loạt các biên bản mới sẽ giúp hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng tại Thái Lan xuất khẩu được hàng sang Mỹ dễ dàng hơn nếu so với hàng được sản xuất tại Trung Quốc.