Thay vì chịu đựng những điều kiện ngặt nghèo từ các gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều quốc gia mới nổi tìm tới Trung Quốc tiếp cận những khoản vay dễ dàng hơn.
Trung Quốc sẵn sàng cho vay với những điều kiện không quá ngặt nghèo, khiến ngân hàng của nước này trở thành "nơi bấu víu" của những thị trường mới nổi. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng dòng tiền dồi dào với những điều kiện dễ dàng này có thể cạn kiệt một cách đột ngột bởi những vấn đề từ chính nội tại nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc – điểm tựa của những nền kinh tế mới nổi
Từ Argentina, Venezuela tới Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đều đã tìm tới Bắc Kinh để có những khoản vay dễ dàng hơn rất nhiều so với các gói cứu trợ của IMF. Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela– quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong lạm phát tới 1.000.000%, vay hơn 62 tỷ USD. Hồi tháng 7 vừa qua, một khoản ứng trước trị giá tới 5 tỷ USD đã được phê duyệt nhằm tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này dù chương trình vay đổi dầu trước đó đã gặp một số khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 23/08/2018
11:30, 21/08/2018
11:01, 19/08/2018
05:30, 19/08/2018
17:29, 18/08/2018
11:05, 18/08/2018
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương của Argentina cũng đang muốn đề xuất vay tới 15 tỷ USD từ Trung Quốc nhằm giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế nước này.
Năm ngoái, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), đơn vị chịu trách nhiệm cho phần lớn các khoản vay nước ngoài, đã cho Thổ Nhĩ Kỳ vay thêm tiền hơn 2 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2016. Pakistan cũng không tìm kiếm gói hỗ trợ từ phía IMF mà lựa chọn Trung Quốc để được vay tiền.
Cơ hội tài trợ bên ngoài ít dần
Những vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có cả cuộc chiến thương mại với Mỹ, có thể sẽ khiến cho Trung Quốc không còn có thể tiếp tục hào phóng với các nền kinh tế mới nổi.
Ngân hàng CDB là một ví dụ điển hình. Được biết đến trong vai trò nhà tài trợ chính cho các dự án ở nước ngoài nhưng nhiệm vụ chính của ngân hàng này hiện nay lại nằm ở trong nước. Trong báo cáo thường niên năm 2017, khoản hỗ trợ dành cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) chẳng thấm tháp gì so với chi phí chống đói nghèo và đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc, cũng như những khoản chi cho các ngành chiến lược như bán dẫn và xe điện.
Năm ngoái, CDB đã đầu tư 880 tỷ nhân dân tệ (128 tỷ USD) cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn, nhưng chỉ giải ngân 17,6 tỷ USD cho các dự án ở các quốc gia thuộc sáng kiến BRI. Dư nợ cho vay ở bên ngoài Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 2,4% tổng số cho vay của CDB.
Nếu CDB không thể hoàn thành mục tiêu chính là nâng mức sống của hàng triệu người Trung Quốc khỏi đói nghèo thì sẽ rất khó khăn để chứng minh rằng họ mở rộng bàn tay để giúp đỡ các quốc gia khác vượt qua điều tương tự.
Chiến tranh thương mại leo thang, và thanh khoản cạn kiệt đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp tư nhân nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn khi Bắc Kinh siết chặt hoạt động tín dụng phi chính thức.