Chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” của Trump như đang loại dần Mỹ ra khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Điều này tạo điều kiện cho Trung Quốc định hình lại kinh tế thế giới theo cách riêng của mình.
Việc Trump rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, cũng như Hiệp định TPP, hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, áp thuế quan bảo hộ mậu dịch và liên tục gây sức ép với các đồng minh... như đang biến Mỹ trở thành đối tác không đáng tin cậy trong việc ổn định trật tự quốc tế.
“Nếu Liên minh Châu Âu (EU) cũng cho rằng Mỹ là đối tác thương mại không đáng tin cậy, thì chắc chắn họ sẽ đàm phán với Trung Quốc về các điều khoản quan hệ hợp tác giữa 2 bên. Tuy nhiên, nếu Mỹ quay trở lại duy trì trật tự thế giới, thì Trung Quốc sẽ tìm cách dẫn đầu cải cách luật chơi thương mại và đầu tư quốc tế”, ông Barry Eichengreen, Giáo sư kinh tế Đại học California, cựu Cố vấn chính sách của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:34, 20/08/2018
11:01, 19/08/2018
05:30, 19/08/2018
17:29, 18/08/2018
21:47, 16/08/2018
04:30, 13/08/2018
05:10, 11/08/2018
Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây đối với thế giới là: Trung Quốc đang muốn gì? Lãnh đạo quốc gia này đang muốn định hình thế giới theo cách nào?
Trên thực tế, Trung Quốc có thể vẫn còn duy trì chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày ở Diễn đàn Kinh tế Davos 2017, Trung Quốc cam kết phát triển kinh tế mở và không bao giờ từ bỏ hệ thống thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, xét trên một số phương diện nào đó, quá trình toàn cầu hóa theo cách của Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt. So với thời kỳ hậu Thế chiến thế giới thứ II, ngày nay Trung Quốc đang dựa nhiều vào các thoả thuận thương mại song phương và khu vực, và ít quan tâm đến các thỏa thuận đa phương.
Năm 2002, Trung Quốc đã ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN. Sau đó, quốc gia này thỏa thuận hiệp định thương mại tự do song phương với 12 quốc gia khác. Việc chú trọng thỏa thuận song phương hơn đa phương cho thấy, Trung Quốc hàm ý vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang mờ nhạt.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã và đang kêu gọi chiến lược thương mại dựa vào chiến lược lan tỏa, cùng sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Điều này cho thấy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang hướng tới mô hình “trục và lan hoa”, trong đó Trung Quốc là trục trung tâm, còn các quốc giá khác có liên quan là các lan hoa, giúp Trung Quốc định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng đã thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, nhằm thay thế Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PoBC) đã cấp 500 tỷ USD hoán đổi cho hơn 30 NHTW của các quốc gia có liên quan, thách thức vai trò của IMF...
Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế thông qua trợ cấp và can thiệp quá nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước để chiếm ưu thế trên thị trường quốc tế. Chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc tập trung vào công nghệ cao cũng được thực hiện theo hướng tiếp cận này.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng ít khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Năm 2017, Trung Quốc chỉ xếp sau Philippines, Saudi Arabia và Indonesia trong số 60 quốc gia không khuyến khích FDI theo xếp hạng của OECD. Những biện pháp hạn chế này đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực công nghệ của mình.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính, cũng như duy trì chính sách hạn chế dòng vốn vào và ra khỏi quốc gia này. Điều này đã và đang cản trở các tổ chức tài chính nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù chính quyền Trump đang đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, nhưng cách định hình lại kinh tế toàn cầu của Trung Quốc theo cách riêng của mình cũng sẽ khó được nhiều quốc gia khác đồng thuận.