Bài học tránh khủng hoảng tiền tệ
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần phải chủ động điều tiết vĩ mô và tránh đối đầu với Mỹ về thương mại để tránh rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tiền tệ.
Cách đây hơn 20 năm, đồng Baht của Thái Lan bị mất giá mạnh đã kích hoạt phản ứng dây chuyền ở nhiều nước đang phát triển, dẫn tới khủng hoảng tiền tệ châu Á. Hiện tại, nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng đã rơi tình trạng tương tự, làm dấy lên lo ngại lịch sử lặp lại.
Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, lên tiếng cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra một cú sốc tới các thị trường mới nổi, đồng thời làm gia tăng khả năng khủng hoảng tiền tệ ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, có nguy cơ lây lan ra khắp các quốc gia đang phát triển. |
Lịch sử khó lặp lại
Lần này, khởi nguồn là đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đã lây lan sang đồng Peso của Argentina, Rupi của Ấn Độ, Rupiah của Indonexia, Real của Brazil và Rand của Nam Phi. Việc Trump áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ giống như “giọt nước tràn ly” khiến cho Lira bị trượt dốc không phanh. Lẽ ra phải tăng lãi suất để chặn đà mất giá của đồng tiền, thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại ép NHTW Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cách tư duy chính sách này và tính độc lập của NHTW bị huỷ hoại đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng tiền tệ. Trong khi các nền kinh tế còn lại không phải là nạn nhân của mối quan hệ song phương trở nên xấu đi với Mỹ, nhưng chịu tác động mạnh mẽ của việc FED tăng lãi suất cơ bản. Họ đều không ngăn cản được các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để đầu tư vào Mỹ.
Về biểu hiện “lâm sàng”, thì tình hình tiền tệ hiện tại ở các nền kinh tế này không khác biệt gì nhiều so với thời điểm đồng Baht bị khủng hoảng trước đây. Nhưng điều đó không có nghĩa lịch sử sẽ lặp lại, tức là có thể sẽ bùng phát cuộc khủng hoảng tiền tệ mới. Triển vọng đúng là đáng lo ngại thật, nhưng nhiều khả năng khủng hoảng tiền tệ sẽ khó xảy ra, vì một số lý do sau đây:
Thứ nhất, thực trạng tiền tệ hiện nay ở các nền kinh tế này không gây bất ngờ như ở Thái Lan trước đây. Tất cả các quốc gia này đều đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để đối phó, nhưng ứng phó thành công hay không lại là chuyện khác.
Thứ hai, sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm, hệ thống tài chính thế giới đã có những thay đổi cơ bản và khả năng “đề kháng” khủng hoảng được tăng cường rõ rệt. Theo đó, một hay một vài nền kinh tế riêng rẽ có thể gặp khó khăn về tài chính tiền tệ nhưng các đối tác khác sẽ chủ động tránh bị vạ lây.
Thứ ba, khủng hoảng tài chính và tiền tệ là cơ hội để các thể chế tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới,... phát huy vai trò và mở rộng ảnh hưởng. Họ sẽ “hào phóng” mở hầu bao để giải cứu các nền kinh tế gặp khó khăn từ rất sớm để tránh khủng hoảng toàn cầu bùng phát.
Chủ động điều tiết vĩ mô
Từ những bất ổn tài chính tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể rút ra được những bài học sau đây:
Thứ nhất, khủng hoảng tiền tệ thường xảy ra ở những nền kinh tế nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Mỹ là trường hợp ngoại lệ, đơn giản vì 84% dự trữ của thế giới bằng USD. Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil, Nam Phi hay Colombia đều trong tình trạng như vậy. Mức độ nợ công của tất cả những nền kinh tế này đều rất cao. Vì thế, họ rất khó khăn với việc thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này.
Có thể bạn quan tâm
Thổ Nhĩ Kỳ có "gượng dậy" sau cuộc khủng hoảng tiền tệ?
11:01, 17/08/2018
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “bí” lối thoát khủng hoảng tiền tệ
17:00, 16/08/2018
Lira ngày càng "lún sâu" vào khủng hoảng tiền tệ
05:30, 15/08/2018
Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ có “vực dậy” giá vàng tuần tới?
05:30, 12/08/2018
Thứ hai, theo Viện Tài chính quốc tế, các doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi hiện vay nợ tín dụng tổng cộng 3.700 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2010. Các doanh nghiệp này có nguy cơ bị phá sản rất cao khi tỷ giá USD tăng mạnh như trong thời gian vừa qua. Vì thế, các doanh nghiệp phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro biến động của USD.
Thứ ba, ông Trump đang tiến hành “cuộc thập tự chinh” với những chính sách bảo hộ thương mại. Bị chính quyền Trump áp thuế trong bối cảnh USD tăng giá và lãi suất cơ bản của Mỹ tiếp tục tăng, các nền kinh tế bị ông Trump nhằm đến sẽ phải đối phó với tác động cộng hưởng, khi đó khó khăn sẽ thêm quyết liệt và phức tạp.
Bởi vậy, chính phủ và NHTW ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải chủ động có những biện pháp điều tiết vĩ mô thích hợp và kịp thời, đặc biệt về tài chính, tiền tệ và thương mại, đồng thời cần xử lý khôn khéo quan hệ hợp tác với Mỹ theo phương châm bảo vệ lợi ích nhưng tránh xung khắc thương mại với Mỹ.