Nhật Bản đang ở đâu trong mối quan hệ Mỹ - Nhật - Trung?

Việt Nga 29/10/2018 04:09

Cuối tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vừa qua trong bầu không khí thẳng thắn và cởi mở.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ song phương giữa hai nước đã quay trở về đúng hướng, và Trung Quốc đảm bảo tín hiệu tích cực này sẽ tiếp tục được duy trì. “Cả hai bên nên nắm được mục tiêu chiến lược của nhau, thực thi những gì đã được thống nhất và không gây bất kỳ mối đe dọa nào với nhau”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay tại Bắc Kinh ngày 26/10. Ảnh: Nikkei

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Bắc Kinh ngày 26/10. Ảnh: Nikkei

Trước những nhận định trên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Abe cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc là láng giềng, đối tác, và sẽ không trở thành mối đe dọa của nhau. “Với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi mong muốn chúng ta có thể bắt tay xây dựng kỷ nguyên mới cho mối quan hệ Trung- Nhật", ông Abe nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhật Bản sẽ

    Nhật Bản sẽ "nghiêng" về Mỹ hay Trung Quốc?

    04:30, 24/10/2018

  • Nhật Bản sẽ tiếp tục được định hình ra sao dưới “đế chế” Shinzo Abe?

    Nhật Bản sẽ tiếp tục được định hình ra sao dưới “đế chế” Shinzo Abe?

    16:25, 21/09/2018

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nhật – Trung được diễn ra trong tâm thế khá dè chừng của Tokyo. Trong lịch sử, mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh rất khác so với Mỹ; trong khi Trung Quốc là đối thủ bên kia biên giới, còn Mỹ là đồng minh thân cận. Nhưng cả Nhật và Trung hiện đều phải đối mặt với sức ép từ chính quyền Trump. 

Trong bối cảnh đó, một quan chức Nhật Bản cho rằng chuyến công du vừa qua của ông Abe tới Trung Quốc  tuy mạo hiểm nhưng vẫn cần được thực hiện. “Chúng tôi phải giữ thế cân bằng. Mỹ có thể sẽ nghi ngờ về việc Nhật Bản xích lại quá gần với Trung Quốc", vị quan chức này cho biết.

Không giống như một số đồng minh khác của Mỹ, Nhật Bản không được miễn thuế các mặt hàng sắt và nhôm nhập khẩu. Hơn thế nữa, Tổng thống Mỹ còn phát biểu gay gắt về quan hệ thương mại với Tokyo. Vào tháng 4 vừa qua, ông Trump viết trên Twitter rằng Nhật Bản đã đánh mạnh vào thương mại Mỹ trong nhiều năm qua. Sau hàng loạt cuộc hội đàm và nỗ lực lấy lòng ông Trump, nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn không thu được kết quả gì.

Theo Giáo sư Koichi Nakano thuộc Đại học Sophia – Tokyo, mối quan hệ Abe - Trump và tất cả những ảo tưởng khác không mang lại thành quả gì cho Nhật Bản, trái lại Mỹ còn thể hiện thái độ thô lỗ và thù địch về vấn đề thương mại với Nhật Bản.

Đất nước Mặt Trời mọc hiện có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Mới đây, ông Trump đã cho rằng một số loại xe nhập khẩu từ Nhật Bản là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Vài tháng trước chuyến thăm của ông Abe tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo Nhật Bản vào mạng lưới tự do thương mại, kêu gọi nước này cùng Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Kotaro Tamura, nhà nghiên cứu châu Á tại Viện Milken cho rằng Nhật Bản cần phải thận trọng khi bước đi trên ranh giới hợp tác mong manh với Trung Quốc. “Khi chúng ta củng cố hợp tác với Bắc Kinh, Mỹ sẽ kiểm tra lòng trung thành của các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Bởi vậy, Nhật Bản cần hết sức cẩn trọng”, ông Tamura nói.

Tuy nhiên, các tín hiệu tan băng giữa Nhật và Trung Quốc không có nghĩa là tất cả vấn đề căng thẳng hiện nay giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ được giải quyết, và cũng còn quá sớm để đảm bảo điều này.

Việt Nga