[Thịnh vượng toàn cầu] Kỳ I: Châu Phi sẽ trỗi dậy bền vững?
Liệu “của trời cho” ở Châu Phi có là một vận may bất ngờ mang lại thịnh vượng và hy vọng, hay là một tai họa về kinh tế và chính trị, như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia?
Năm 2018, mặc dù có nhiều biến động nhưng biểu đồ phát triển toàn cầu qua đo đếm vẫn cho thấy sự thịnh vượng. Đông Âu, Châu Á, Châu Phi - khu vực cận Sahara là những nơi cho thấy điểm sáng nhất trong bức tranh chung.
Môi trường kinh doanh thông thoáng không còn là lợi thế độc tôn của Bắc Mỹ hay Châu Âu, điều nay cho phép hy vọng lợi thế cạnh tranh chuyển dần sang các khu vực khác. Nguyên nhân này trước hết bắt nguồn từ các yếu tố nội tại.
Châu Phi - được xem là “thế giới thứ ba” một trong những khu vực lạc hậu nhất trên thế giới, trong nhiều thống kê như chỉ số phát triển con người (HDI) thu nhập bình quân đầu người (GDP), chỉ số phát triển giáo dục toàn cầu (PISA)…các nước Phi châu thường “đội sổ”.
Sự tụt hậu quá xa ở Châu Phi so với thế giới văn minh được phản ánh đẩy đủ qua mức sống, điều kiện thụ hưởng phúc lợi xã hội của người dân. 10 nền kinh tế lớn nhất “lục địa đen” cộng lại mới bằng nước Đức - quốc gia có khối lượng GDP lớn nhất EU.
Bất ổn xã hội và bất công bằng chính trị cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc ung đột vũ trang triền miên, kéo lùi sự tiến bộ ở đây. Tình trạng bạo lực bắt đầu từ những năm 90, gia tăng trong những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai và tái ổn định trong giai đoạn hiện nay.
Những phát hiện tài nguyên thiên nhiên mới ở một số nước châu Phi, như: Ghana, Uganda, Tanzania, và Mozambique, Marocco, Malawi… đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu “của trời cho” này có là một vận may bất ngờ mang lại thịnh vượng và hy vọng, hay là một tai họa về kinh tế và chính trị, như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia?
Mặc dù là châu lục khá đa dạng về tài nguyên, song , yếu kém nội lực và bất ổn xã hội khiến nguồn lực này rơi vào tay các nước Châu âu, Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ, một công ty Trung Quốc có tên là Molybdenum đã thông báo mua một trong những quặng đồng lớn nhất châu Phi - khu mỏ Tenke ở nước Cộng hòa dân chủ Congo. Đến đây câu chuyện không chỉ còn là việc khai thác khoáng sản!
Nga cũng đang là một “tay chơi” quay trở lại lục địa đen sau một thời gian vắng bóng. Qua khảo sát, nghiên cứu, người ta được biết rằng Mali, Burkina Faso, Nam Phi, Namibia, Angola, Niger,... là những quốc gia có trữ lượng dồi dào các loại quặng nguyên liệu thô có thể dùng trong chế tạo vũ khí hạt nhân.
Có thể bạn quan tâm
Hấp lực từ thị trường Trung Đông và châu Phi
02:20, 01/12/2018
Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi ngay từ biên giới
11:51, 01/10/2018
Có hay không dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam?
19:14, 28/09/2018
Ồ ạt vào Châu Phi kéo theo rất nhiều cường quốc tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel…tất cả đều có những ký kết riêng vì mục đích riêng nhưng biến châu lục này trở nên sôi động bởi những ngành kinh tế có ít hàm lượng chất xám.
Đó là khai thác khoáng sản thô, chế biến và chuyển thành phẩm đến những trung tâm công nghiệp ở Boston, San Francisco, Baltimore (Mỹ), Thâm Quyến, Quảng Đông (Trung Quốc) vùng Rua (Đức)…
Đi kèm là những đại công trường, đại doanh nghiệp nước ngoài mọc lên ở Châu Phi - như một tác động ngược trở lại buộc môi trường kinh doanh phải mở ra để tiếp nhận nguồn ngoại tệ chảy vào và phần nào đó nhiều quốc gia ở châu lục này rơi vào thế bị động.
Sự thịnh vượng tiềm năng ở Châu Phi được tạo ra bởi các cường quốc đến đây vì nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Mỹ đã thắt chặt quan hệ ngoại giao với Ghana bằng một hiệp định, Trung Quốc đã khai trương căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibuti.
Mỹ và Pháp đã lập những căn cứ quân sự lớn kiểm soát nhiều tuyến đường huyết mạch trên Biển Đỏ và Đại Tây Dương. Nhiều năm nay, các đơn vị quân đội Mỹ đóng ở Kenya , Eritrea, Ethiopia thường xuyên tuần tiễu ở Ần Độ Dương và kiểm soát con đường qua Biển Đỏ, tới kênh Suez đi sang Trung Đông.
Những ngành kinh tế mà các nước giàu mang đến đều nằm trong danh sách có nguy cơ ô nhiêm cao nhất, đặc biệt là ngành khai khoáng, tinh chế quặng. Với tiềm lực hiện có họ có quá ít cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngoài nguồn thuế và giải quyết nạn thiếu việc làm.
Một khối lượng lớn tài liệu về kinh tế cho thấy, các nước có nguồn tài nguyên dồi dào thường ít động lực nội tại để trở nên thịnh vượng hơn những quốc gia khó khăn. Nhật Bản là một điển hình của sự khan hiếm tài nguyên.
Châu Phi dường như chưa quan tâm đến chiến lược tăng trưởng bền vững, họ chưa nhận ra rằng nếu không tái đầu tư vào những ngành kinh tế có chiều sâu trên mặt đất thì đến lúc nào đó “của trời cho” sẽ hết!
Châu Phi đang có cơ hội trỗi dậy rũ bỏ nghèo đói nhờ các công ty đa quốc gia ào ạt đến kinh doanh. Nhưng thịnh vượng bền vững hay không phụ thuộc vào lĩnh vực mà các cường quốc mang đến - ít nhất không nhòm ngó đến các vùng khoáng sản chưa ai khai thác.
Nhưng - có thể không lâu nữa châu lục 830 triệu dân này phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường như nhiều khu vực trên thế giới từng bị khai thác cạn kiệt để phục vụ tham vọng của các siêu cường.
Châu Phi có thể thịnh vượng hoặc mắc kẹt vì khoáng sản, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực ở đây. Nhưng xem ra, họ khó khước từ sức mạnh của đồng bạc xanh, Nhân dân tệ hay EUR luôn tìm cách luồn vào nội bộ.
Viễn cảnh không khó đoán định, nhưng trước mắt, Châu Phi đang trên đường trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường sau Trung Đông và Châu á - Thái Bình Dương.
Kỳ 2: Cuộc dịch chuyển về Châu á - Thái Bình Dương