Bắt bà Mạnh Vãn Châu: Ông Trump tìm "lối tắt" đến Bắc Kinh!
Nhà Trắng đưa ra lý do rằng Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran để lý giải cho việc bắt giữ Mạnh Vãn Châu. Thế nhưng đó có phải lý do thực sự?
Trong những năm qua, Huawei – “gã khổng lồ” về thiết bị viễn thông nhận nhiều cáo buộc liên quan đến quân đội và nhà nước Trung Quốc – đã bị Mỹ và các nước phương Tây nghi ngờ. Có nhiều lý do để cho rằng, cáo buộc vi phạm lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với Iran, chỉ là một cái cớ, là “một hòn đá gây ra hàng ngàn con sóng”
Bí ẩn Huawei, nhiều lãnh đạo có gốc gác nhà binh
Theo thông tin công khai, Huawei được thành lập tại Thâm Quyến vào năm 1987 và trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vào năm 2012. Hiện tại, tập đoàn này là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Samsung, và là công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc đua 5G bớt Huawei liệu có rộng đường cho Samsung?
06:10, 14/12/2018
Quan hệ Mỹ - Trung giữa căng thẳng Huawei: “Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn”
05:30, 12/12/2018
Phong cách kinh doanh "chó sói" của ông chủ Huawei
07:28, 11/12/2018
Tại sao là Huawei - vì sao là lúc này?
11:24, 10/12/2018
Tuy nhiên, lộ trình phát triển của công ty này khá bí ẩn, Huawei rất lớn nhưng không lên sàn chứng khoán, tình trạng tài chính và bộ máy lãnh đạo của công ty cũng không thật sự rõ ràng.
Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, là một cựu cán bộ sĩ quan cấp quân đoàn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc; cựu tổng giám đốc Tôn Á Phương từng công tác tại Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc trước khi gia nhập Huawei vào năm 1992. Chỉ chừng đó cũng đã khiến quốc tế hoài nghi Huawei có “chỗ dựa” mật thiết là cơ quan quốc phòng và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan CNA cho biết, cha vợ cũ của Nhậm Chính Phi - ông Mạnh Đông Ba (ông ngoại của Mạnh Vãn Châu) từng là Phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên. Ông Mạnh có nhiều năm phụ tá cho Dương Siêu, thư ký riêng của cựu Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhậm Chính Phi cũng từng công khai ông nhờ hai người này giúp đỡ rất nhiều nên càng làm cho người ta hoài nghi Huawei có hậu thuẫn chính trị từ chính phủ Trung Quốc.
Ngoài ra, trong quá trình Huawei hoạt động đã đem đến nhiều lo lắng cho Mỹ và các nước phương Tây, khiến nhiều nước từng bước ngăn chặn các sản phẩm và dịch vụ của tập đoàn này.
Vào năm 2012, Ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ cho biết, Huawei có thể đã tham gia vào các hoạt động gián điệp và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Hiện nay, ngoài lệnh cấm bán điện thoại di động Huawei tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 8 vừa qua cũng đã ký một dự luật cấm nhân viên chính phủ Mỹ sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Bên cạnh đó, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, chính phủ Trump đã xử phạt Tập đoàn ZTE và nhắm vào các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng Huawei sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Về việc bắt giữ Mạnh Vãn Châu vì nghi ngờ vi phạm lệnh cấm xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với Iran lần này, giới quan sát hoài nghi liệu có phải là “phát súng đầu” của Mỹ đối với Huawei hay không. Hơn nữa, bà Mạnh được biết đến như là người khả năng nhất sẽ kế vị chức chủ tịch của Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất và cũng là “thể diện” của Trung Quốc.
Đâu là động cơ thực sự của Washington?
Công nghệ là một trong những trọng tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Chính quyền Trump nói rằng khoản thuế bổ sung mà nước này áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc một phần là nhằm ngăn chặn Trung Quốc “nhúng tay” vào công nghệ Mỹ một cách không công bằng thông qua các hành động như ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ hay và tấn công mạng buộc các công ty Mỹ phải đánh đổi bằng bí mật thương mại.
Việc bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được đánh giá sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực với Trung Quốc hơn so với lệnh cấm kinh doanh của Bộ Thương mại Mỹ đối với Tập đoàn ZTE hồi tháng 4 năm 2018.
Tại Trung Quốc, Huawei cung cấp thiết bị viễn thông cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Nếu vụ bắt giữ Mạnh dẫn đến các biện pháp trừng phạt mạnh tay từ Hoa Kỳ (trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ, kinh doanh, v.v.) đối với Huawei, PLA sẽ ngay lập tức tụt hậu trong nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa công nghệ.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt (cấm kinh doanh, tiền phạt khổng lồ, v.v.), Huawei cũng sẽ mất thị phần trong nước. Công ty này hiện đang dẫn đầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc.
Khó khăn hơn cho Huawei chính là mất triển vọng kinh doanh ở nước ngoài. Hiện tại, Mỹ đã chặn Huawei khỏi thị trường của mình và các đồng minh của Hoa Kỳ cũng từ chối nhận đấu thầu từ công ty này để xây dựng mạng 5G của họ.
Với vụ bắt giữ bà Mạnh, các nước và các công ty của họ cũng có thể sẽ mất niềm tin vào việc hợp tác với Huawei. Huawei có thể không bao giờ hồi phục sau hành động của Mỹ nếu bà Mạnh bị dẫn độ và bị truy tố.
Và, có nhiều lý do để tin rằng việc bắt giữ bà Mạnh sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ, mà ngược lại có thể giúp biến một thỏa thuận thương mại thành hiện thực. Và rõ ràng trên thực tế, bất chấp những đồn đoán về việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu sẽ thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa hai cường quốc.
Trung Quốc không những không trả đũa Mỹ, mà dường như ngay lập tức có động thái giảm thuế nhập khẩu cho xe hơi và các phụ tùng xe hơi của Mỹ từ mức 40% xuống mức chỉ còn 15%. Và vài ngày sau việc giảm thuế, dường như Trung Quốc cũng “giảm nhiệt” với Chương trình “Made in China 2025” - vốn như một cái gai trong mắt Tổng thống Trump.
Rõ ràng, trong vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu, câu chuyện không đơn giản chỉ là việc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran, mà Huawei chính là nước cờ chiếu tướng của Tổng thống Trump trong tổng thể ván cờ Mỹ - Trung.