Đâu là nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu năm 2019?

Việt Nga 30/12/2018 11:00

Mỹ -Trung đã đồng ý tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày để tìm giải pháp, nhưng những thiệt hại từ cuộc chiến này vẫn là nguy cơ đe dọa sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2019.

Theo hãng tin Bloomberg, lượng giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm ngay cả khi hai bên cố gắng giải quyết tranh chấp thương mại. Và theo các chuyên gia, năm 2019 sẽ là năm mà kinh tế thế giới sẽ “ngấm nỗi đau” từ cuộc chiến dai dẳng giữa hai cường quốc này.

Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.

Những con số gần đây càng làm nổi bật những mối quan ngại rằng thương mại sẽ cản đà tăng trưởng của nước Mỹ trong năm tới. Người tiêu dùng Mỹ đang không mấy lạc quan về tương lai của kinh tế trong năm tới, trong khi sự lạc quan của giới doanh nghiệp nhỏ về cải thiện kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm và các công ty kỳ vọng mức lợi nhuận thấp hơn trong năm 2019.

Các diễn biến kinh tế sắp tới có thể tác động tiêu cực lên người tiêu dùng thế giới

Các diễn biến kinh tế sắp tới có thể tác động tiêu cực lên người tiêu dùng thế giới

Mặc dù mối đe dọa từ chiến tranh thương mại đã tạm thời dừng lại, nhưng không có gì đảm bảo rằng những nguy cơ này sẽ hoàn toàn biến mất. Có nhiều vấn đề tiềm ẩn vẫn đang hiện hữu và đe dọa sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các cuộc đàm phán trong 90 ngày giữa Trung Quốc và Mỹ có thể kết thúc với thất bại, và sau đó hai nước sẽ tiếp tục áp các mức thuế quan cao hơn.

Ngay cả khi thuế quan không tăng, việc các doanh nghiệp tranh thủ tăng đơn đặt hàng trước khi chiến tranh thương mại bùng phát sẽ khiến số lượng chuyến hàng trong năm 2019 giảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài cuối)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài cuối)

    06:15, 28/12/2018

  • Điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới trong năm 2019?

    Điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới trong năm 2019?

    06:00, 28/12/2018

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

    14:00, 27/12/2018

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    06:45, 26/12/2018

Trên thực tế đã có nhiều “nạn nhân”. Ông lớn trong ngành điện tử GoPro Inc đầu tiên dự kiến chuyển phần lớn hoạt động sản xuất máy quay phim ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào mùa hè năm sau, trong khi FedEx Corp gần đây đã hạ mức dự báo lợi nhuận cũng như thực hiện cắt giảm công suất vận tải qua đường hàng không quốc tế.

Theo Giám đốc Công ty sản xuất kem Dippin’Dots của Mỹ - ông Scott Fischer thì: "từ góc độ doanh nghiệp, câu hỏi là tình hình này sẽ kéo dài bao lâu. Thật khó để lên kế hoạch kinh doanh trong môi trường này".

“Mọi sự can thiệp vào thương mại cũng giống như chúng ta 'đánh thuế' lên nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại là một hệ quả tất yếu của thực trạng đó”, Hamid Moghadam, CEO công ty Prologis Inc có trụ sở tại Francisco cho biết. Công ty này đang sở hữu 4.000 cơ sở vận tải trên toàn cầu.

Châu Âu cũng không tránh khỏi tác động. Mặc dù lĩnh vực chế tạo máy của Đức sẽ tạo ra 228 tỷ euro (260 tỷ USD) trong năm nay. Theo  Hiệp hội Công nghiệp VDMA, tranh chấp thương mại là một trong những lý do khiến đà tăng trưởng của toàn ngành giảm. Sản lượng thực tế sẽ tăng khoảng 5% trong năm 2018, mức tăng cao nhất từ năm 2011, trước khi giảm xuống mức 2% trong năm tới.

Câu hỏi quan trọng là liệu Washington và Bắc Kinh có thể đạt một thỏa thuận vào hạn chót là ngày 1/3 năm tới hay không?. Nếu họ thành công, đám mây u ám sẽ tan biến. Nhưng hiện tại, hiểm họa về việc căng thẳng vẫn tồn tại sẽ cản trở những kế hoạch mở rộng kinh doanh, và do đó cũng kìm hãm nền kinh tế toàn cầu.

“Nền kinh tế Châu Á năm 2019 sẽ nằm trong tay… Donald Trump”

Đây là nhận định của nhà kinh tế Nhật Bản - ông Takahide Kiuchi, được đăng tải trên Asian Nikkei Review.

Theo đó, Châu Á cũng đứng trước những rủi ro lớn với tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại trong năm sau. Nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc, được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất trong ba thập kỷ vào 2019 bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế. 

Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời các nhà kinh tế, theo đó giới chuyên gia ước tính kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,2% năm sau. Cùng với đó là việc Bắc Kinh đang mất đi các thuận lợi từ WTO cũng như chịu sự cạnh tranh về mặt chi phí.

Mặc dù việc di chuyển chuỗi cung cấp không phải là điều dễ dàng, nhiều doanh nghiệp sẽ nghiêm túc cân nhắc rời Trung Quốc nếu các khoản thuế trừng phạt kéo dài hơn dự kiến. Các đòn thuế của Mỹ dành cho Trung Quốc nếu tiếp tục trong 2019 có thể kéo tăng trưởng GDP của Bắc Kinh xuống từ 1 đến 1,5%.

Kinh tế Châu á

Kinh tế Châu á được dự báo khó khăn

Nhật Bản cũng không tránh khỏi vòng xoáy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. GDP Nhật Bản được dự báo sẽ giảm còn 0,6% đến 0,8% trong năm tới. 2019 cũng là năm Tokyo bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ nhưng nếu các tranh cãi không được giải quyết, tình hình có thể trở nên tồi tệ và đẩy kinh tế Nhật vào suy thoái.

Việc FED tiếp tục tăng lãi suất, theo phân tích của chuyên gia Kiuchi, sẽ làm giá cả leo thang tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á. Các quỹ đầu tư cũng sẽ chuyển về Mỹ, làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường tài chính của các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám của nền kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như khu vực Châu Á nói riêng, thì Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6,7 và 7% % trong 2 năm qua.

Việt Nam đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều công ty xem xét chuyển hướng kinh doanh sang Việt Nam. Bà Wendy Cutler - Phó Chủ tịch Viện Asia Society có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ nhấn mạnh những cơ hội mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP) hứa hẹn đem lại cho Việt Nam. Theo bà, là 1 trong 6 quốc gia đầu tiên ký kết tham gia hiệp định này, Việt Nam có thể khai khác được tối đa những lợi ích mà CPTPP đem lại.

Ngược lại, kinh tế Việt Nam được dự báo khả quan

Ngược lại, kinh tế Việt Nam được dự báo khả quan

Bà Cutler nhắc lại cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc tổ chức này có thể hạ mức dự đoán tăng trưởng của nhiều quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Tuy nhiên, theo bà Cutler, Việt Nam sẽ “thoát” được danh sách này của IMF.

Để Việt Nam có thể tận dụng tối đa các lợi thế của mình, có lẽ sẽ cần sự ủng hộ của hệ thống chính trị, cũng như sự đồng sức đồng lòng của tất cả các thành phần kinh tế.

Việt Nga