Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

Trương Khắc Trà 27/12/2018 14:00

Rất khó để chọn lựa thêm các sự kiện kinh tế thế giới trong một năm có quá nhiều biến động ở Châu âu, Trung Đông và cả Bắc Mỹ.

Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 sẽ tiếp tục lắp thêm những mảnh ghép: Nước Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế;  Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) trước nguy cơ tan rã và cuộc chơi thương mại mới ở Bắc Mỹ.

4. Đại biểu tình đòi quyền lợi kinh tế ở Pháp

Rất khó tin, một đất nước giàu có như Pháp phải ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế! Gần một tháng nay, phong trào “áo vàng” liên tục gây sức ép lên chính phủ ông Macron để đòi giảm giá xăng dầu.

Thoạt đầu bằng những đợt xuống đường của cánh tài xế vì xăng dầu, đã kéo theo nhiều giai tầng trong xã hội, kể cả tầng lớp trung lưu cùng đồng loạt bày tỏ gánh nặng sinh hoạt phí ngày một nặng, sự bất bình với chính sách kinh tế của điện Elysee.

Từ biểu tình trở thành đại biểu tình, từ sự uất ức tưởng chừng như đương nhiên trong mọi xã hội trở thành mối nguy chính trị với nội các Pháp, có hàng triệu lượt người đã tuần hành, dĩ nhiên Paris phải là điểm đến cuối cùng.

Biểu tình khiến nước Pháp rối loạn

Biểu tình khiến nước Pháp rối loạn

Tình hình ngày một căng thẳng. Ngày 11/12/2018, Tổng thống Macron phải đưa ra tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về kinh tế của đất nước” cùng một loạt biện pháp, bao gồm hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động,…

Có thể bạn quan tâm

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    06:45, 26/12/2018

  • Chủ động trước nhữngp/biến động kinh tế thế giới

    Chủ động trước những biến động kinh tế thế giới

    16:23, 05/12/2018

  • IMF lo ngại “cú sốc tiêu cực mới” với kinh tế thế giới

    IMF lo ngại “cú sốc tiêu cực mới” với kinh tế thế giới

    11:24, 14/10/2018

Điều gì khiến một quốc gia vốn làm rất tốt khâu chi tiêu lại quyết định tăng thuế xăng dầu? Có phải vì thiếu tiền? Câu trả lời là kinh tế Pháp đang gặp khó khăn, sự kiện này càng gây chú ý khi đất nước hình lục lăng vốn được biến đến với rất nhiều ưu điểm.

Pháp là trung tâm Châu âu, thành viên không thể thiếu của EU, “sức khỏe” của nền kinh tế này có thể đong đếm độ mạnh yếu của cả khối. Đúng như vậy, EU đang trong những ngày tháng khó khăn nhất từ khi thành lập.

Rất khớp với lý do của làn sóng chống đối, các chính phủ ở “lục địa già” đang vật lộn với nợ công trong bối cảnh kinh tế u ám. Nợ công của Pháp là 97% GDP, khối nợ Italy đã vượt quá 31% so với GDP, Tây Ban Nha xấp xỉ tròn 100%, Đức sắp vượt ngưỡng an toàn, 64,1%...

Một loạt bất ổn xuất phát từ tài chính đã gây chia rẽ EU, Anh đã quyết tâm ra đi, Italy không tìm được tiếng nói chung với khối về vấn đề chi tiêu cho năm 2019, “bóng ma” vỡ nợ Hy Lạp, Tây Ban Nha vẫn còn đó. Điều gì đang xảy ra ở Châu âu?

Chỉ biết rằng, trong mọi bất ổn, mọi xung đột, mọi mâu thuẫn, nguy hiểm nhất -nếu nó xuất phát trực tiếp bởi lý do kinh tế.

5. OPEC đứng trước nguy cơ tan rã

Tại Việt Nam, một lít xăng, dầu bạn mua giá bao nhiêu? Điều đó có nguồn gốc sâu xa từ OPEC - tổ chức các nước xuất khẩu dầu có trụ sở tại Saudi Arabia. Nắm trong tay hầu hết các giếng dầu quan trọng, OPEC đủ sức điều tiết sản lượng cũng như giá dầu thế giới.

Chưa rõ nguyên nhân là gì nhưng mới đây Qatar đã tuyên bố rút tư cách thành viên OPEC, quyết định này có hiệu lực từ đầu năm mới. Quyết định rời OPEC của Qatar khó ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô, nhưng hé lộ những vết nứt có thể khiến tổ chức gần 60 năm tan rã.

Cuộc chiến năng lượng sắp bắt đầu?

Cuộc chiến năng lượng sắp bắt đầu?

Rối loạn ở OPEC từng gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 1973, khi tổ chức này không bán dầu cho những quốc gia ủng hộ Israel trong cuộc chiếm Yom Kippur.

Cú sốc giá dầu để lại hậu quả tức thì về kinh tế và nhiều hệ lụy về chính trị - mà hiện nay cả Trung Đông đang gồng mình gánh chịu, đó là xung đột sắc tộc, tôn giáo dưới sự can thiệp của “lá bài” dân chủ phương Tây.

Nếu OPEC tan rã, điều gì xảy ra? Đầu tiên, giá dầu sẽ “trôi nổi” là mối nguy khủng khiếp với những nền kinh tế lớn nhưng rất khát dầu mỏ như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Những nước này không thể khoanh tay đứng nhìn!

Trật tự chiến lược năng lượng sẽ được thiết lập lại, nhưng sẽ có bóng dáng của những cường quốc hòng thao túng tình hình - điều mà suốt 60 năm qua OPEC luôn chiến đấu để đảm bảo quyền tự quyết.

6. Nâng cấp NAFTA thành USMCA

NAFTA là hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ hình thành từ năm 1993, chỉ có 3 thành viên nhưng sức ảnh hưởng không thể nói là nhỏ, vì đây là bộ ba Mỹ - Canada và Mexico.

Sau 25 năm tồn tại, NAFTA đang lộ những vết rạn nứt nghiêm trọng do những bất cập và sự lỗi thời khi nền kinh tế thế giới đang vận động không tuân theo những toan tính chủ quan.

Thật bất ngờ, trong khi Tổng thống Mỹ, D. Trump liên tục than phiền các hiệp định đa phương vì “nước Mỹ bị lợi dụng” thì Washington tỏ ra rất gấp gáp với việc sửa đổi NAFTA!

Trục thương mại mới ở Bắc Mỹ

Trục thương mại mới ở Bắc Mỹ

Sau hơn 1 tháng đàm phán, Mỹ, Mexico và Canada ngày 30/11/2018 đã chính thức ký Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Vì sao USCMA được hoàn thành gấp rút hơn bất cứ hiệp định thương mại đa phương nào? Và đặc biệt, điều đó diễn ra ngay lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ở giai đoạn căng thẳng nhất?

Mục đích đầu tiên của Mỹ chính là tìm lối ra cho thương chiến với Trung Quốc nên ông Trump sẵn sàng dịu giọng với hai người láng giềng ương ngạnh liền kề phía Nam và phía Bắc.

Và sâu xa hơn, Mỹ muốn trói chặt thị trường hai nước láng giềng nhằm phòng vệ từ xa về khả năng hàng Trung Quốc có thể tạm nhập ở Canada và Mexico rồi tái xuất vào Mỹ nhằm né đòn đánh thuế.

Không còn nghi ngờ gì nữa về một trục kinh tế mới có sức chiến đấu hiệu quả hơn ở Bắc Mỹ. Rất nhanh chóng, không lâu sau khi USCMA được ký kết, Canada đã bắt giám đốc tài chính của Huawei giao cho Mỹ để điều tra về vi phạm tài chính.

Điểm đến cuối cùng là hạch tội Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, củng cố bằng chứng cho gói thuế trị giá 200 tỷ USD hàng hóa đang nhích dần đến hết 90 ngày ân hạn.

Còn tiếp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO