E ngại kinh tế thế giới 2019

Thuỵ Vân 05/01/2019 11:01

Trong năm 2019, kinh tế và thương mại thế giới không hứa hẹn nhiều điều tốt lành, bởi hiện tại có rất nhiều rủi ro đang cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chiến tranh thương mại, tình trạng nợ công gia tăng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; thâm hụt ngân sách cao tại Mỹ, những quyết sách thiếu hợp lý của các NHTW… sẽ là những rủi ro đối với kinh tế thế giới.

p/So với năm 2007, khối lượng nợ toàn cầu hiện đã tăng 42% lên 247.000 tỷ USD, đây là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. (Biểu đồ tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu giai đoạn 2001- 2017. Nguồn: Real Investment Advice)

So với năm 2007, khối lượng nợ toàn cầu hiện đã tăng 42% lên 247.000 tỷ USD, đây là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. (Biểu đồ tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu giai đoạn 2001- 2017. Nguồn: Real Investment Advice)

Nhiều rủi ro

Năm 2018, kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại. Những nguyên nhân khiến kinh tế thế giới năm qua lâm vào tình trạng như vậy vẫn tiếp tục, chứ không suy giảm mức độ tác động, càng không biến mất trong năm 2019. Chỉ như thế thôi cũng đã đủ cho thấy năm mới này bắt đầu với những điềm chẳng mấy tốt lành gì cho tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài cuối)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài cuối)

    06:15, 28/12/2018

  • Điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới trong năm 2019?

    Điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới trong năm 2019?

    06:00, 28/12/2018

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

    14:00, 27/12/2018

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    06:45, 26/12/2018

  • IMF lo ngại “cú sốc tiêu cực mới” với kinh tế thế giới

    IMF lo ngại “cú sốc tiêu cực mới” với kinh tế thế giới

    11:24, 14/10/2018

Ở thời điểm hiện tại mà dự báo thì tình hình an ninh, chính trị thế giới trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ không được cải thiện cơ bản gì so với năm 2018, nếu như không muốn nói là có thể tồi tệ hơn. Những bất đồng giữa các quốc gia lớn chưa được giải quyết, các cuộc xung đột địa chính trị khu vực và thế giới vẫn đang tiếp diễn.

Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tiến hành đàm phán để xử lý xung đột thương mại song phương. Mọi dấu hiệu và thực tiễn diễn biến quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đến nay đều cho thấy, cho dù hai bên có đạt được thoả thuận gì thì giải pháp vẫn chỉ là tạm thời. Do đó, bất đồng giữa 2 nước vẫn sẽ tồn tại dai dẳng, và gây rủi ro lớn đối với tăng trưởng của kinh tế thế giới.

  Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ mức 3,2% năm 2018 xuống còn 3% và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn trong những năm tới. 

Đa số các chuyên gia kinh tế trên thế giới đều cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2019 là tình trạng vay nợ chung của thế giới. So với năm 2007, thời điểm bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khối nợ toàn cầu đến nay đã tăng 42% lên 247.000 tỷ USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khối lượng nợ này hiện bằng 225% GDP của cả thế giới, trong khi theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) là 245%. Như vậy, nợ của thế giới tăng nhanh hơn mức tăng trưởng GDP của thế giới. Thực trạng này rất đáng lo ngại bởi hai lý do.

Thứ nhất, cái gọi là "bong bóng nợ" đã căng đến mức có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Thứ hai, các biện pháp phòng ngừa và đối phó của các quốc gia đều đã được áp dụng hết.

Trong khi đó, kinh tế và thương mại thế giới hiện thiếu động lực và đầu tầu tăng trưởng. Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng. Mỹ vẫn chưa có lại được vai trò này. Còn Liên minh châu Âu (EU) đang trong tình trạng bất ổn khi Brexit vẫn chưa có hồi kết, và một vài quốc gia thành viên vừa được cứu thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công đã lại nhăm nhe "ngựa quen đường cũ" để tận lợi từ tác động của chủ nghĩa dân tuý.

Ít lạc quan

Mọi dự báo về tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới cho năm 2019 đều không lạc quan, nhưng xem ra rất thực tế. Nhưng như thế không có nghĩa là kinh tế thế giới xấu đến mức gây ra suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi thế giới. Tuy nhiên, sự mất ổn định của kinh tế thế giới là không thể tránh khỏi.

Năm 2019 là một năm quyết định đối với tương lai của toàn bộ các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, của cuộc đối đầu giữa tự do hoá thương mại và bảo hộ thương mại nói chung, của khả năng và phạm vi tác động của chính sách tiền tệ của các NHTW của Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhìn ra xa hơn, năm 2019 sẽ cho thấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) còn có tương lai nữa hay không, và các diễn đàn đa phương như G7 hay G20 vừa có cả danh lẫn thực hay chỉ còn hữu danh vô thực?.

Môi trường an ninh, chính trị và kinh tế thế giới nói trên trong năm 2019 sẽ không thực sự thuận lợi cho các nền kinh tế trên thế giới. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho các quốc gia trên thế giới là duy trì ổn định trên mọi phương diện để tiếp tục phát triển, chứ không phải ngược lại, tức là phải dành ưu tiên hàng đầu cho tăng trưởng bền vững, lấy đó làm nền tảng và động lực cho tăng trưởng năng động. Đồng thời các quốc gia cần tránh rủi ro và kịp thời thích ứng với biến động mới trong điều tiết vĩ mô, kiên định chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thiết thực hoá các mối quan hệ hợp tác kinh tế để chủ động ứng phó và không để bị vạ lây từ các xung đột thương mại trên thế giới.

Thuỵ Vân