[Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Thừa nghệ thuật, thiếu niềm tin
Rõ ràng, hai bên chưa thể có đáp án chung cho câu hỏi “như thế nào là phi hạt nhân hóa?”.
Trong lúc mọi thứ có vẻ xuôi chèo mát mái thì truyền thông phát đi bức ảnh phòng ăn trưa trong khách sạn Metropole trống vắng, cánh phóng viên được yêu cầu lên chiếc xe bus nổ máy sẵn, bất động 20 phút. Không một ai biết chuyện gì đang xảy ra.
Đó là cảm nhận dấu hiệu bất thường vào trưa nay (28/2) của Julian Borger - một cây bút của tờ Guardian (Anh), gần hai ngày qua tại Hà Nội đây là lần đầu tiên mọi phương tiện tối tân nhất bỗng nhiên lạc mất tín hiệu từ ông Trump và ông Kim.
Hai nhà lãnh đạo đã rời khỏi khách sạn sớm hơn dự kiến, sau đó không lâu thông tin “không thể ra tuyên bố chung” lan tràn khắp thế giới, không khí chùng xuống, cuối cùng thứ mà chúng ta chờ đợi nhất không thể xảy ra.
Nguyên nhân ở rất sâu xa và chịu ảnh hưởng từ nhiều phía, nhưng bất đồng trực tiếp của hai bên về lệnh cấm vận đã ngăn cản họ ký vào một văn bản khung làm nền tảng.
Có thể bạn quan tâm
[Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Kết thúc hụt hẫng vì thiếu tuyên bố chung
15:35, 28/02/2019
[Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Không đạt được thỏa thuận nhưng bầu không khí vẫn vui vẻ
14:06, 28/02/2019
Washington không muốn nới lỏng lệnh cấm vận - dù là nhỏ nhất; trong khi đó Bình Nhưỡng chỉ đồng ý giải quyết cơ sở hạt nhân Yongbyon. Mặc dù rất nhiều lời có cánh được giành cho nhau suốt 48h qua.
Vì sao ông Trump thận trọng với lệnh cấm vận? Đặt giả thiết nếu năm 2012 Mỹ và Liên Hợp Quốc không áp lệnh trừng phạt lên Triều Tiên thì có dễ buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán do Mỹ sắp đặt?
Không hề dễ đối phó Triều Tiên nếu Mỹ không có đặc quyền gắn chiếc “vòng kim cô”, tương tự như vậy, “cấm vận” là con bài duy nhất mà Mỹ đã sử dụng rất thành thục để khắc chế đối phương.
Các lệnh trừng phạt không do Mỹ đơn phương thực hiện mà phải được năm thành viên thường trực LHQ cùng thông qua (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp) theo nguyên tắc lệnh chỉ có hiệu lực khi cả năm “ông lớn” cùng đồng ý.
Bối cảnh quốc tế hiện tại hoàn toàn khác năm 2012, Mỹ đã mâu thuẫn sâu sắc với châu Âu và Nga - đặc biệt sau khi ông Trump không còn hậu hĩnh các thành viên NATO trong đó có Anh và Pháp; với Nga dưới thời Putin chưa bao giờ êm ấm với Mỹ; với Trung Quốc đang thương chiến căng thẳng…
Ông Trump thừa khôn ngoan để hiểu rằng, để kêu gọi 4 thành viên/ đối thủ còn lại theo chân mình áp dụng một lệnh trừng phạt vào một quốc gia nào đó - bây giờ rất khó khăn, đặc biệt với Triều Tiên.
Trong lịch sử ngoại giao quốc tế, không ít lần cam kết bị bẻ gãy một cách đơn phương để lại hậu quả khôn lường. Đây rất có thể là lý do để Washington không muốn nới lỏng lệnh cấm vận dù nhỏ nhất với Triều Tiên.
Khi ông Trump nói rằng, ông chấp nhận lộ trình phi hạt nhân hóa chậm, người ta có thể xem đó là một sự nhượng bộ, nhưng không phải, mà vấn đề ở chổ nhanh chậm không cần thiết mà phải “ở mức độ nào” - trong trường hợp này chỉ có Yongbyon là chưa đủ!
Rõ ràng, hai bên chưa thể có đáp án chung cho câu hỏi “như thế nào là phi hạt nhân hóa?”. Ông Trump đã khéo léo ứng dụng mưu mẹo của người Việt Nam ngay tại Hà Nội “lạt mềm buộc chặt”.
Dĩ nhiên, Mỹ đủ cơ sở để ứng dụng sự “chậm rãi” này, bởi vì suy cho cùng - nếu không có tuyên bố chung vẫn không gây phương hại đến chính sách của Nhà trắng.
Qua hai lần Thượng đỉnh, ta thấy được nghệ thuật ngoại giao siêu đẳng của ông Trump, nếu tại Singapore, Trump tỏ ra nhượng bộ để quyến rũ Bình Nhương vào guồng đàm phán thì tại Hà Nội ông bắt đầu cứng rắn ở thời điểm quyết định.
Kết quả không mong muốn tại Hà Nội có thể đẩy ông Kim Jong-un vào tình thế khó khăn hơn. Nếu trước đây chỉ có một chọn lựa là hạt nhân thì nay buộc phải toan tính thêm con đường kinh tế.
Không tự nhiên Trump ca ngợi thành tựu kinh tế của Việt Nam trong mấy ngày ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Kim cũng cho thấy mình là một nguyên thủ bản lĩnh, không dễ bị cuốn theo các đòn tâm lý của đối phương, ông biết “dừng cuộc chơi” đúng lúc để có những toan tính kỹ lưỡng hơn.
Một vài hình ảnh đã ví von rằng, ông Trump bay thẳng đến Hà Nội bằng chuyên cơ, còn ông Kim di chuyển bằng tàu hỏa quá cảnh sang Trung Quốc sau đó đến Việt Nam.
Một ví dụ đầy ẩn ý và lý thú, Bình Nhưỡng không thể không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài trong mối quan hệ với Mỹ. Đó là những toan tính phụ thuộc vào “địa chính trị” tại khu vực Đông Bắc Á, nơi quyền lực của Bắc Kinh ngày một thấy rõ.
Sự cẩn trọng của ông Kim cho thấy gì? Như nhiều đồn đoán, công nghệ quân sự chính là sức mạnh duy nhất của Triều Tiên, lá chắn bảo vệ đất nước - họ phụ thuộc vào điều này - họ không muốn quá mạo hiểm. Thế nên có lý do để cho rằng, Triều Tiên đang khó khăn kinh tế.
Không bên nào hứa hẹn sẽ có Thượng đỉnh tiếp theo, song, cả đôi bên - nhất là với Triều Tiên - họ đang đối mặt với xu thế khách quan của thời cuộc khó có thể cưỡng lại: Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác và cạnh tranh đan xen…
Vì vậy, dù muốn hay không, Mỹ - Triều còn gặp nhau để giải quyết nốt vướng mắc còn lại.
Không có kết quả đột phá cũng là sự hụt hẫng với nước chủ nhà, chúng ta đã làm những gì tốt nhất có thể để kiến tạo hòa bình cho thế giới.