Buôn bán thực phẩm bẩn: Thế giới xử lý như thế nào?
Mới đây chính phủ Malaysia quyết định đánh thêm thuế vào đồ uống chứa đường, lấy khoản tiền đó cải thiện bữa ăn cho trẻ em.
Câu chuyện hàng trăm trẻ mầm non ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn tại các bếp ăn của trường học thực sự là “giọt nước tràn ly” cho vấn nạn thực phẩm bẩn.
Đây được coi là một loại tội phạm nghiêm trọng và nguy hiểm. Chúng vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng coi rẻ sức khỏe, tính mạng con người.
An toàn thực phẩm không chỉ của riêng Việt Nam hay các nước đang phát triển mà đây là vấn nạn toàn cầu. Những vụ bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn của thế giới cũng không kém phần nghiêm trọng so với Việt Nam.
Mới đây nhất tại Ấn Độ, tháng 7/2018, có 125 học sinh tới từ trường Jawahar Navodaya Vidyalaya, huyện Lakhisarai của bang Bihar có triệu chứng buồn nôn, đau bụng dữ dội sau khi ăn tối tại trường. Các em sau đó được đưa tới bệnh viện địa phương và may mắn không bị nguy hiểm tới tính mạng. Ngôi trường này sau đó bị đình chỉ trong 3 ngày trước khi trở lại hoạt động bình thường.
Vụ việc ngộ độc nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ cho tới nay được ghi nhận là trường hợp 23 học sinh 5-12 tuổi tại một trường tiểu học ở làng Dharmashati Gandaman, huyện Saran, bang Bihar. Các em thiệt mạng do ăn phải thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu vào tháng 9/2013. Hiệu trưởng ngôi trường này bị bắt giữ sau đó một tuần.
Có thể bạn quan tâm
Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Khoảng 30% trẻ đã quay trở lại học tại trường mầm non Thanh Khương
16:07, 20/03/2019
Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Đình chỉ công tác lãnh đạo trường Thanh Khương và nhiều cán bộ
17:25, 19/03/2019
Vụ việc khi đó gây chấn động dư luận. Hàng loạt các bậc phụ huynh kêu gọi chính quyền, đặc biệt là các quan chức ngành giáo dục phải có trách nhiệm với sinh mạng của con em họ, đồng thời họ yêu cầu xử phạt nặng những người có liên quan.
Dù nổi tiếng là quốc gia đứng đầu thế giới về an toàn thực phẩm nhưng Nhật Bản cũng không tránh khỏi những vụ bê bối thực phẩm bẩn tại các trường học.
Vụ việc chấn động nhất từng được ghi nhận là vào tháng 1/2014 khi hơn 1.000 trẻ em ở thành phố Hamamatsu phải nghỉ học do xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm. Các em đều cho kết quả dương tính với norovirus, một loại siêu virus gây ra các bệnh về đường ruột hay còn gọi là “cúm dạ dày”.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã đóng cửa tất cả các trường học có học sinh bị ngộ độc. Các nhà chức trách địa phương cùng Sở giáo dục thành phố đã mở rộng cuộc điều tra, đệ đơn khiếu nại các cơ sở cung cấp thức ăn cho các ngôi trường.
Vụ việc trên làm gợi nhớ vụ ngộ độc thực phẩm tháng 2/2011 khiến gần 900 học sinh tiểu học và trung học ở 9 ngôi trường tại Hokkaido. Tất cả các ngôi trường này bị đóng cửa trong một tuần.
Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ chất lượng về sinh an toàn thực phẩm ngay từ những bước đầu tiên là trồng trọt và chăn nuôi. Chính phủ nước này đã ban hành tiêu chuẩn cụ thể với dư lượng của 250 thuốc trừ sâu và những nông sản phẩm nào có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng sẽ không được bán ra thị trường.
Mỗi năm một lần, cơ quan chức năng lại tiến hành thanh tra các công ty thực phẩm theo năm tiêu chí: chất lượng vệ sinh thiết bị sản xuất, chất lượng vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng nguyên liệu, chất lượng nước và an toàn lao động.
Những công ty nào không đạt chuẩn sẽ bị rút giấy phép và bị phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng. Mức phạt tù có thể lên đến 10 năm và số tiền lên đến 3 triệu JPY, tương đương gần 30.000 USD.
Việc khởi tố các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm là điều không xa lạ gì ở Mỹ. Các sai phạm thì tùy mức độ nặng nhẹ để truy tố. Tội nào phải truy tố, tội nào phải phạt tiền, tội nào phải ra tòa hành chính đều do luật quy định.
Trong đó không ai có thể nói vì do nghèo, vì thiếu hiểu biết mà vi phạm cả. Bởi dù có thiếu hiểu biết cách nào, thì việc dùng chất bẩn trong thực phẩm vẫn gây hậu quả cho người tiêu dùng như nhau.
Tại Mỹ, cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm thường hoạt động như mật vụ, họ đóng giả dân thường mua thực phẩm sau đó lấy mẫu về kiểm tra. Nếu vi phạm, toàn bộ dây chuyền sản xuất mặt sản phẩm đó bị đình chỉ để điều tra vụ việc.
Vụ việc mới đây liên quan đến táo Mexico, có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép, mặc dù gần ngày lễ Giáng sinh nhưng cơ quan chức năng vẫn xử lý, tất cả táo bị tiêu hủy.
Chưa hết, người đưa ra đơn thuốc trừ sâu, tức là nhân viên bảo vệ thực vật và người phun thuốc trừ sâu, một công ty nhỏ chuyên lái trực thăng đi phun... đều bị khởi tố các tội hành chính liên quan tới việc dùng thuốc trừ sâu sai quy định.
Tại các quốc gia đều có các chế tài khác nhau để xử phạt, thậm chí bỏ tù các loại tội phạm liên quan đến buôn bán thực phẩm bẩn. Tuy xử phạt và quyết liệt như vậy nhưng loại tội phạm này vẫn không hề thuyên giảm.