Trung Quốc “cởi trói” FDI

Thuỵ Vân 02/04/2019 11:21

Luật đầu tư nước ngoài vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua không chỉ nới lỏng nhiều quy định, mà còn bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại quốc gia này.

Tại kỳ họp đầu tiên trong năm nay, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua bộ luật đầu tư nước ngoài mới, có hiệu lực từ 1/1/2020. Cả việc soạn thảo và thông qua bộ luật này đều rất chóng vánh, thậm chí còn được coi là kỷ lục về thời gian trong lập pháp ở Trung Quốc.

p/Luật đầu tư nước ngoài vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.p/

Luật đầu tư nước ngoài vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Bối cảnh ra đời

Bộ luật mới này của Trung Quốc thu hút được nhiều sự quan tâm bởi thời điểm và bối cảnh ban hành. Về thời điểm, Trung Quốc đã và đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gây nhiều khó khăn về kinh tế và thương mại, trong đó có vấn đề liên quan đến những hạn chế, thiếu minh bạch và không đối xử công bằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Hai đối tác này đã công khai và rất quyết liệt yêu cầu Trung Quốc phải có những cải tổ thực sự về tiếp nhận đầu tư nước ngoài và hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. 

Có thể bạn quan tâm

  • "Mỏ neo" hiếm hoi sót lại của kinh tế Trung Quốc

    06:00, 02/04/2019

  • [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 1: Những mảng màu tối

    [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 1: Những mảng màu tối

    11:00, 05/03/2019

  • [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 2: Nỗ lực giải cứu

    [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 2: Nỗ lực giải cứu

    11:00, 06/03/2019

  • Ứng phó với rủi ro từ kinh tế Trung Quốc

    Ứng phó với rủi ro từ kinh tế Trung Quốc

    05:29, 23/02/2019

Đặc biệt, phía Mỹ rất coi trọng nội dung này trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn thời gian đàm phán vượt quá thời điểm ngày 1/3/2019, nhưng vẫn kiên định chủ ý là nếu cuộc đàm phán này không đạt được kết quả như phía Mỹ mong đợi thì sẽ tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.

  Việc Trung Quốc ban hành Luật đầu tư nước ngoài mới cũng chỉ nhằm xoa dịu quan hệ với Mỹ và EU. Còn việc quốc gia này có thực hiện đúng quy định này hay không thì chưa thể nói trước.

Trong khi đó, EU có hẳn văn bản chính sách được coi là chiến lược mới đối với Trung Quốc, trong đó có cả những quy định về tiếp nhận vốn đầu tư của Trung Quốc vào thị trường EU cũng như những yêu cầu của EU đối với đầu tư của EU vào thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc không thể không sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài nếu muốn xoa dịu Mỹ và EU trong lĩnh vực này.

Trung Quốc hiện có không ít khó khăn về tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không dấu diếm thực trạng đó ở chính kỳ họp Quốc hội vừa qua của nước này. Để kịp thời ứng phó với thách thức này, Trung Quốc cần có động lực tăng trưởng mới, môi trường thuận lợi mới cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy kinh tế đối ngoại. Bởi vậy, Bộ luật mới này của Trung Quốc được nhanh chóng ra đời.

Sức ép cải cách chưa dừng lại

Những nội dung quan trọng nhất của Bộ luật mới này của Trung Quốc là mở cửa thị trường ở mức độ lớn hơn trước, theo đó huỷ bỏ mọi hình thức bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, cũng như không can thiệp một cách bất hợp pháp vào sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đảm bảo trên nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cam kết bảo hộ những quyền về sở hữu trí tuệ công nghiệp, bản quyền phát minh sáng chế và bí quyết công nghệ, đồng thời đảm bảo các doanh nghiệp nước ngoài không bị thua thiệt so với các doanh nghiệp Trung Quốc trên phương diện này.

Tuy nhiên, bộ luật này cũng còn có danh mục những lĩnh vực hạn chế đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài, như thị trường đánh cá, nghiên cứu gen, giáo dục tôn giáo, phương tiện truyền thông, phát sóng truyền hình... Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc có quyền kiểm soát cổ đông nước ngoài nếu như lợi ích quốc gia bị đe dọa.

Mỹ và EU hài lòng đến mức nào về Luật mới này của Trung Quốc thì rồi đây hạ hồi sẽ phân giải. Nhưng có thể chắc chắn được một điều là những yêu cầu và sức ép của họ đã đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ra đời nhanh chóng của Bộ luật đầu tư này của Trung Quốc. Với bộ luật này, Trung Quốc đã làm việc đằng nào cũng phải làm vào thời điểm Trung Quốc cần và có thể tận dụng tác động chính trị để giảm bớt khó khăn trong quan hệ với Mỹ và EU.

Dù vậy cũng vẫn phải thấy rằng, chỉ có Luật đầu tư nước ngoài mới này chưa đủ để giúp Trung Quốc xoay chuyển được tình thế và cải thiện được tình hình một cách nhanh chóng và cơ bản. Nhu cầu cải tổ quyết liệt hơn, sâu rộng hơn và triệt để hơn vẫn còn rất cấp thiết ở phía Trung Quốc và đòi hỏi từ phía Mỹ và EU vẫn còn rất mạnh mẽ.

Trung Quốc có thể giảm bớt được mức độ quyết liệt trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện tại giữa Trung Quốc với Mỹ và EU, chứ chưa thể làm cho Mỹ và EU hài lòng đến mức không còn tiếp tục cuộc cạnh tranh chiến lược này. Dù sao, động thái mới của Trung Quốc vẫn góp phần làm cho bầu không khí chính trị giữa hai bên bớt căng thẳng và tạo thuận lợi để mọi cuộc đàm phán về kinh tế và thương mại giữa hai bên có thể đạt được kết quả tích cực hơn.

Thuỵ Vân