Trung Quốc sắp vỡ nợ?

Trương Khắc Trà 16/05/2019 06:00

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, bị ép trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp lớn có nguy cơ phá sản...nhưng liệu có vỡ nợ?

Tuần rồi, Bloomberg giật cái tít rất đáng sợ: “Trung Quốc vỡ nợ lớn nhất lịch sử trong năm nay”. Nó gây sốc bởi vì sự hiện diện của Trung Quốc hiện nay là quá lớn…

Chính xác hơn đó là thuật ngữ “chính phủ vỡ nợ” chứ quốc gia không bao giờ vỡ nợ. Chính phủ lâm vào tình trạng này khi không thể thanh toán các khoản nợ quốc tế đã đến hạn.

Rất nhiều chính phủ từng vỡ nợ, như Nga (1998); Tây Ban Nha thế kỷ 16 (dưới thời vua FillipII) có 4 lần vỡ nợ; Argentina và Hy Lạp mắc nợ không thể trả lần lượt 7 và 8 lần trong vòng 200 năm qua; Hy Lạp (20120, Ecuador (2008); Peru (2000); Uruguay (2003)…

Rất nhiều chính phủ từng vỡ nợ!

Rất nhiều chính phủ từng vỡ nợ!

Nhưng hầu như chưa có một chính phủ nào phải trả giá quá đắt về sinh mạng chính trị, nhiều lắm chỉ bị đánh tụt hạng các chỉ số an toàn về kinh tế, tài chính, đầu tư và phải nhận lệnh trừng phạt bằng lãi suất khi tiếp cận các nguồn tín dụng quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • "Mỏ neo" hiếm hoi sót lại của kinh tế Trung Quốc

    06:00, 02/04/2019

  • [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 1: Những mảng màu tối

    [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 1: Những mảng màu tối

    11:00, 05/03/2019

  • [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 2: Nỗ lực giải cứu

    [Bức tranh kinh tế Trung Quốc] Bài 2: Nỗ lực giải cứu

    11:00, 06/03/2019

Vì có nhiều cách để giải quyết mà không hẳn cần đến tiền mặt để trả nợ: Xin gia hạn nợ; phát hành trái phiếu nợ (xuất hiện thị trường chứng khoán phái sinh); thực hiện các CDS tái cấu trúc nợ - tức là các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ…

Bloomberg phân tích và thống kê 5 tập đoàn lớn ở Trung Quốc là: Neoglory Holding Group, Shandong SNTON Group, China Minsheng Investment Group, Citic Guoan Group, và Goocoo Investment có nguy cơ vỡ nợ trong năm 2019.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc "đỏ rực" sau khi Trunp kích hoạt gói thuế mới

Đánh giá này hoàn toàn có cơ sở, nhìn toàn cục kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và việc không thu xếp ổn thỏa chiến tranh thương mại khiến nhiều doanh nghiệp nội địa bắt đầu thấy khó khăn hơn. Các nhà đầu tư chứng khoán rút lui khiến thị trường “đổ lửa”…

Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng như Mỹ hồi năm 2008 - một loạt công ty tư nhân khổng lồ phá sản trong khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ “bong bóng” bất động sản.

Đó là vỡ nợ doanh nghiệp - hoàn toàn khác với vỡ nợ Chính phủ, vì các chủ nợ sẽ khó thu hồi tài sản của một đất nước hơn tài sản của một công ty.

Mức độ nguy hiểm của vấn đề là ở chổ, nhà nước Trung Quốc thật sự có “ảnh hưởng” gì với các siêu tập đoàn này? Nếu có sự “hậu thuẫn bằng vốn” thì chính phủ sẽ vạ lây; còn không, tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp chỉ gây sức ép chung lên chính sách điều tiết vĩ mô của chính phủ.

Khả năng vỡ nợ chính phủ rất khó xảy ra ở Trung Quốc, vì nhiều lý do:

Thứ nhất, Trung Quốc đang nắm dự trữ ngoại hối khổng lồ (rất khó biết con số chính xác là bao nhiêu); là chủ nợ lớn nhất của Mỹ - nắm số lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới.

Thứ 2, Trung Quốc vẫn là “công xưởng thế giới” nơi sản xuất hầu hết các mặt hàng hiện lưu thông trên toàn cầu, chưa kể hệ thống tài chính nước này đã vươn vòi ra khắp nơi, hàng chục quốc gia đang mắc nợ Trung Quốc.

Thứ 3, Nhân dân tệ (CNY) là một trong những đồng tiền uy lực nhất, việc phá giá đồng tiền này sẽ để lại nhiều hậu quả cho cả vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ 4, về mặt chính trị, tương quan lực lượng trên trường quốc tế, Trung Quốc là siêu cường đúng nghĩa, một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - đây là quyền lực “mềm” có thể sử dụng với bên nào đó nếu có ý định “lấy nợ”.

Thứ 5, với tiềm lực tài chính sẵn có, Trung Quốc hoàn toàn có thể đá trái “bóng nợ” ra khỏi đất nước một cách dễ dàng.

Những trường hợp vỡ nợ đã xảy ra không ghi nhận tình trạng chủ nợ “truy cùng đuổi tận”. Ví dụ: Ở Hy Lạp, các chủ nợ chấp nhận khoản lỗ lên đến 50%; Sau cú vỡ nợ 81 tỉ USD năm 2001, Argentina ban đầu đề nghị trả các chủ nợ 1/3 số tiền thiếu, và cuối cùng thì 93% khoản nợ được chuyển đổi sang trái phiếu bảo đảm vào các năm 2005 và 2010.

Việc các tập đoàn tư nhân Trung Quốc vỡ nợ chỉ làm cho nền kinh tế nước này yếu đi, gia tăng tình trạng thất nghiệp, mất nguồn thu, không nhận thấy rõ ràng các tác động mang tính chất khu vực và quốc tế.

Như đã nói, rất nhiều chính phủ từng vỡ nợ nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào bị “xóa sổ” như doanh nghiệp. Các tổ chức tài chính trước sau gì cũng sẽ tiếp tục cho vay nếu họ cảm thấy phần thưởng thu được xứng đáng với rủi ro phải gánh. Thêm vào đó, hoán đổi nợ xấu - công cụ tài chính đóng vai trò bảo hiểm cho các khoản nợ quốc gia/doanh nghiệp - giúp nhà đầu tư trái phiếu giảm bớt rủi ro.

Vì bản chất cơ cấu kinh tế thị trường là sự đan xen hỗn hợp buộc các bên “vuốt mặt nể mũi”. Giả sử, nếu Hy Lạp có mệnh hệ chính trị thì các chủ nợ còn mất nhiều hơn khoản tiền 42 tỷ USD. Cứu người khác chính là giảm thiệt hại cho mình.

Với Trung Quốc, mối lo lớn nhất của họ lúc này là cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến nền kinh tế xuống dốc. Nên chỉ khi nào các tập đoàn nhà nước phá sản lúc đó cuộc rối ren mới thật sự bắt đầu.

Hay nói cách khác, sự đổ một vài doanh nghiệp tư nhân không hề hấn gì đến nguồn tài chính khổng lồ của nước này.

Trương Khắc Trà