Thương chiến với Trung Quốc: Ông Trump tính toán sai?
Chiến thắng cho Mỹ được dự báo "không dễ" như Trump từng nói khi Bắc Kinh phát đi tín hiệu sẽ theo tới cùng thay vì đầu hàng.
Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là gây ra tổn hại kinh tế đủ để buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhượng bộ trước những gì Tổng thống Trump muốn - dù đó là yêu cầu gì đi chăng nữa.
Và sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ nâng mức thuế mới đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc vào đầu tháng 5 vừa qua, và đưa đại gia viễn thông Huawei Techhologies vào danh sách đen, với lý do là Trung Quốc đã tự ý sửa đổi bản dự thảo giữa hai quốc gia, cũng như loại bỏ các điều khoản mà hai bên đã thống nhất trước đó, thì căng thẳng của cuộc chiến này lại được đẩy lên một nấc thang mới.
Thay vì khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải phục tùng, các khoản thuế bổ sung có thể khiến họ trở nên quyết tâm hơn nữa. Điều đó đồng nghĩa rằng cuộc chiến thương mại càng kéo dài thì tổn thất với nền kinh tế Mỹ sẽ càng lớn.
Đáp lại những động thái này từ phía Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân tham gia một cuộc "Vạn lý Trường chinh". Ông kêu gọi người dân Trung Quốc cần "dũng cảm hơn và kiên cường hơn, không bao giờ khuất phục trước sức ép bên ngoài".
Có thể bạn quan tâm
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chịu thiệt hại nhiều hơn hưởng lợi
11:33, 01/06/2019
Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
02:49, 01/06/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần am hiểu "luật chơi"
11:00, 29/05/2019
Chiến tranh thương mại (Kỳ III): Xung đột Mỹ- Trung leo thang
04:06, 26/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Chỉ chấm dứt khi Trung Quốc nhượng bộ
11:37, 24/05/2019
Chiến tranh thương mại (Kỳ II): EU không nằm ngoài xung đột với Mỹ
11:01, 23/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?
07:30, 22/05/2019
Thông điệp của chính phủ Bắc Kinh là rất rõ ràng: Trung Quốc sẽ không còn là nạn nhân, cả trong lĩnh vực chính trị cũng như thương mại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả các biện pháp thuế mới đây của Mỹ là “hành động ức hiếp tinh vi trong thương mại” và hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ “luôn đứng về phía đúng đắn của lịch sử.”
Sự quyết tâm được nêu rõ này khiến ông Tập Cận Bình gần như không thể bị xem là “đầu hàng” trước ông Trump, hay bất kỳ thế lực bên ngoài nào khác. Và rõ ràng, Trung Quốc đang lật ngược tình thế với Mỹ, khi cáo buộc chính quyền Trump can thiệp quá sâu vào hoạt động của các công ty tư nhân.
Nhà Trắng cho rằng, Trung Quốc dường như là quốc gia nghèo và phụ thuộc vào Mỹ và rất dễ bị ép buộc. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và ban lãnh đạo đầy tham vọng, vốn coi tính hợp pháp của họ phụ thuộc vào việc khôi phục sức mạnh của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đó sẽ không dễ bị hăm dọa.
Tính toán sai lầm lớn đầu tiên của đội ngũ của ông Trump là về ảnh hưởng kinh tế. Bởi Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nên chính quyền cho rằng họ có lợi thế hơn.
Stephen Moore, học giả của Quỹ Di sản và từng là cố vấn kinh tế của ông Trump, cho rằng: “nền kinh tế của Trung Quốc không thể phát triển mà không được tiếp cận với thị trường Mỹ.”
Thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Trung Quốc hiện là nền kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ USD và không dễ bị tổn thương. Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Công ty Capital Economics cho rằng lượng hàng hóa xuất khẩu hiện đang bị Mỹ áp thuế chỉ chiếm 1,3% GDP của Trung Quốc, và tổn thất bởi các biện pháp thuế này dường như chỉ chiếm khoảng 0,5% sản lượng. Đó không phải là con số nhỏ, nhưng gần như chắc chắn không đủ để buộc Bắc Kinh phải “khuất phục.”
Ở một góc độ khác, dù nhiều người Mỹ tin rằng chính phủ có lý do chính đáng khi lo ngại về an ninh, việc cấm cửa các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, đang làm dấy lên lo ngại cuộc chiến công nghệ sẽ phản tác dụng với Mỹ.
Nói một cách đơn giản, Mỹ đã chơi quá tay. Cuộc chiến giữa Mỹ với Huawei đang khiến các nhà cung cấp Mỹ mắc kẹt ở giữa, làm dấy lên nguy cơ họ sẽ chịu thiệt hại dài hạn tại thị trường béo bở như Trung Quốc. John Neuffer - Giám đốc Hiệp hội Ngành công nghiệp Chất bán dẫn cho biết, các hãng chip, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác của Mỹ, ủng hộ nỗ lực củng cố an ninh quốc gia của chính phủ. Tuy nhiên, họ cũng đang phải chịu "ảnh hưởng lớn và ngay lập tức" từ lệnh cấm Huawei.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Thôi Thiên Khải nhận xét: "Liệu họ có thể chặn lại quá trình phát triển của công nghệ không? Họ có thể tước đoạt quyền hưởng lợi từ công nghệ của mọi người không? Tôi không cho là vậy. Họ có thực sự nghĩ đến quyền lợi của người Mỹ không? Tôi cũng cho là không".
Rủi ro chính trị và kinh tế khác ông Trump đang phải đối mặt là nếu tiếp tục đánh thuế, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác sẽ chịu ảnh hưởng, từ quần áo trẻ em đến smartphone nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi đó, toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ nằm trong vùng tác động.
Cuối cùng, cuộc xung đột Trung-Mỹ có thể dẫn đến một thất bại chiến lược mới của Nhà Trắng, vì Mỹ có quan niệm sai lầm về việc đối thủ sẽ "sụp đổ ngay sau một cú đánh mạnh". Và chính logic này giải thích các cuộc tấn công của Napoléon và Hitler vào Nga, cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 1937, cuộc tấn công của Iraq vào Iran năm 1979 và nhiều chiến dịch không thành công khác. Có lẽ, thêm một ví dụ lịch sử như vậy sẽ sớm được bổ sung vào danh sách này.