Chiến tranh thương mại (Kỳ III): Xung đột Mỹ- Trung leo thang

TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới 26/05/2019 04:06

Thương chiến Mỹ - Trung không chỉ vì lợi ích thương mại của 2 bên mà còn vì vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ và cuộc tranh đua vị thế toàn cầu. Do đó, cuộc chiến này sẽ còn kéo dài.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, và dọa sẽ tiếp tục làm như vậy với 300 tỷ USD các loại hàng hóa khác, thì phía Trung Quốc đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ để trả đũa.

p/Từ năm 1985, thâm hụt thương mại cua Mỹ với Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh.

Từ năm 1985, thâm hụt thương mại cua Mỹ với Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh.

Bản chất cuộc chiến

Trong hơn 800 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ, thì Trung Quốc chiếm gần một nửa (375 tỷ USD trong năm 2017). Trung Quốc thặng dư thương mại với Mỹ trung bình hàng năm khoảng 360 tỷ USD/năm, tương đương 4.000 tỷ USD trong hơn mười năm qua.

Quan trọng hơn, Trung Quốc sử dụng chính sách tỷ giá thấp, trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đánh cắp và/hoặc ép buộc các công ty Mỹ và phương tây chuyển giao bí quyết công nghệ…

Thực tế cho thấy, Mỹ đang lệ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc. Mỹ nhập khẩu 156 tỷ USD các thiết bị viễn thông và tin học từ Trung Quốc (năm 2017), gấp gần 6 lần so với 15 năm trước. Và trong tổng số 357 tỷ USD thặng dư thương mại của nước này với Mỹ trong năm 2017 thì có 135,4 tỷ USD thặng dư cho Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.

  Thương chiến Mỹ- Trung có thể sẽ tiếp tục leo thang. Điều duy nhất có thể khiến Trump nhẹ tay với Trung Quốc là áp lực chính trị khi bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần.

Nếu tấn công vào lĩnh vực công nghệ cao, Trump sẽ đạt được nhiều mục đích: cân bằng thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia, kiềm chế được Trung Quốc và duy trì được vị thế dẫn đầu thế giới của nước Mỹ. Còn đối với Trung Quốc thì tăng trưởng kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn, và quan trọng hơn quá trình chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sang công nghệ cao và dịch vụ nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trở nên hết sức khó khăn. Hơn nữa, trong trung hạn, điều này có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, thậm chí khủng hoảng kinh tế Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến tranh thương mại (Kỳ II): EU không nằm ngoài xung đột với Mỹ

    Chiến tranh thương mại (Kỳ II): EU không nằm ngoài xung đột với Mỹ

    11:01, 23/05/2019

  • Chiến tranh thương mạip/Kỳ I: Mỹ “gây chiến” với Nhật Bản

    Chiến tranh thương mại Kỳ I: Mỹ “gây chiến” với Nhật Bản

    13:05, 19/05/2019

Cuộc chiến sẽ còn kéo dài

Do bản chất cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung hết sức phức tạp như đề cập ở trên, nên cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài và lan rộng. Về phía Mỹ, đây là thời điểm thuận lợi để hành động khi kinh tế Mỹ vẫn mạnh, trong khi kinh tế Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn.

Về phía Trung Quốc dường như sẽ phải nhượng bộ vì đang ở thế dưới. Nhưng nhượng bộ đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải cải cách lại toàn bộ hệ thống của mình, vì những đòi hỏi của Mỹ đụng chạm đến nhiều cốt lõi của hệ thống hiện tại của Trung Quốc. Chẳng hạn sự tồn tại của DNNN, tự do thông tin, mở cửa thị trường tài chính…

Tác động từ cuộc chiến sẽ khiến Trung Quốc bộc lộ những rủi ro mà trước đó được che đậy nhờ những nỗ lực to lớn của chính phủ, như tình trạng vỡ nợ trong khu vực tài chính, tình trạng phá sản trong khu vực kinh doanh, dẫn đến những bất ổn xã hội do việc làm giảm sút ở vùng Đông Nam…

Trong khi đó, tình hình vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc đang tăng lên nhanh đáng báo động. Năm 2018, mức vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc gấp 4 lần so với năm 2017, và năm 2019 được dự báo còn lớn hơn nhiều. Điều này làm gia tăng lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể là “ngòi nổ” cho tình trạng doanh nghiệp phá sản hàng loạt ở Trung Quốc, có nguy cơ đẩy nước này vào khủng hoảng.

Nhìn chung, những nguồn lực mạnh mà Trung Quốc nắm trong tay có thể được dùng trả đũa Mỹ, như phá giá tiền tệ, bán tháo trái phiếu Mỹ, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… chủ yếu là những nguồn lực mang tính phòng thủ bên trong. Trong khi những nguồn lực phản công bên ngoài lại rất hạn chế và khá nguy hiểm cho chính mình. Do đó, kéo dài cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ đem lại những thiệt hại rất lớn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ dù có thiệt hại nhưng mức thiệt hại thấp hơn và có đủ sức trong cuộc chiến này.

Kỳ IV: Việt Nam chịu thiệt hại nhiều hơn hưởng lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến tranh thương mại (Kỳ III): Xung đột Mỹ- Trung leo thang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO