Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ rất cao trong giai đoạn trước, và xu hướng này sẽ tiếp tục khi nhiều công ty lựa chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất mới.
Theo TPS Research, năm 2017, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ cùng với chính sách quyết liệt về bảo hộ kinh tế, nhấn mạnh "Nước Mỹ trên hết" (America First). Một trong những điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ của ông là việc khởi động và leo thang cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Chính quyền Trump áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế tương đương lên hàng hóa Mỹ.
Hai bên tiếp tục leo thang, tới năm 2019, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng trả đũa với thuế quan lên hơn 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cuộc đối đầu này gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả hai nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn một (Phase One Deal). Tuy nhiên, dù có thỏa thuận này, căng thẳng thương mại vẫn tiếp tục âm ỉ.
Hệ quả là sau 6 năm Mỹ vẫn tăng lượng nhập khẩu từ thế giới lên tới 3000 tỷ USD mỗi năm, tăng 40% so với trước, tuy nhiên từ Trung Quốc lại giảm 9% so với trước đây đạt 424 tỷ USD/năm. Các bên gia tăng giá trị xuất khẩu vào Mỹ chính là châu Âu tăng 48,6% đạt 724,8 tỷ USD mỗi năm, Bắc Mỹ tăng 55,5% đạt 893,4 tỷ USD, Trung và Nam Mỹ tăng 33,6% đạt 146,4 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý Việt Nam là một trong các quốc gia đạt tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất, đạt 114,7 tỷ USD xuất khẩu vào Mỹ mỗi năm tăng 167,5%.
Từ đó, TPS Research đưa ra 4 nguyên nhân Việt Nam được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia và cả các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm các nước sản xuất thay thế để tránh thuế quan. Việt Nam với vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí sản xuất cạnh tranh, và hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp đang phát triển mạnh, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc.
Thứ hai, lao động giá rẻ và chi phí sản xuất cạnh tranh. So với Trung Quốc, chi phí lao động tại Việt Nam rẻ hơn đáng kể, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển nhà máy sang. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty quốc tế.
Thứ ba, sự phát triển nhanh của ngành sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng cho các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nội thất và linh kiện công nghiệp. Các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, LG, Intel đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động dồi dào và hệ thống sản xuất đang phát triển.
Thứ tư, quan hệ thương mại tốt với Mỹ. Việt Nam có quan hệ thương mại tương đối tốt với Mỹ, không bị xem là mối đe dọa lớn như Trung Quốc. Các công ty Mỹ cũng đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu ngược trở lại Mỹ, giúp tránh các rủi ro thuế quan khi nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.
Đồng thời, TPS Research cũng chỉ ra các lý do khiến Việt Nam không bị Mỹ áp thuế đáng kể. Một là, Việt Nam không bị cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc thương mại không công bằng. Việt Nam không bị Mỹ cáo buộc mạnh mẽ, dù có một số cảnh báo về tỷ giá hối đoái nhưng chưa đến mức bị trừng phạt nghiêm trọng. Việt Nam đã có những bước điều chỉnh về chính sách tiền tệ và ngoại hối để tránh bị Mỹ xếp vào danh sách thao túng tiền tệ.
Hai là, Việt Nam không phải là đối thủ chiến lược của Mỹ. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn của Mỹ mà còn là đối thủ chiến lược trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, quân sự, chính trị. Mỹ muốn kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Việt Nam được Mỹ xem như một đối tác có tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, giúp cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ba là, Việt Nam hợp tác trong kiểm soát thương mại và xuất xứ hàng hóa. Mỹ lo ngại việc Trung Quốc có thể "lách thuế" bằng cách xuất khẩu hàng hóa qua Việt Nam để né thuế. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với gian lận xuất xứ hàng hóa. Chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát doanh nghiệp FDI để tránh việc Trung Quốc lợi dụng Việt Nam làm trung gian xuất khẩu.
Bốn là, Mỹ có lợi ích trong việc giữ quan hệ tốt với Việt Nam. Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam như dệt may, điện tử, đồ gỗ, nông sản (cà phê, cá tra…), nên không muốn áp thuế mạnh làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ.
“Với việc Mỹ áp thuế cao lên hàng Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn cung thay thế để tránh chi phí nhập khẩu đắt đỏ. Việt Nam, với các lợi thế như chi phí sản xuất cạnh tranh, quan hệ thương mại thuận lợi với Mỹ và sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất, sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng”, TPS Research đánh giá.
Từ những đánh giá trên, TPS Research nhận định các nhóm ngành như: ngành bất động sản Khu công nghiệp, ngành thủy sản, ngành logistics & vận tải và ngành dệt may sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.