Kinh tế thế giới

Trung Quốc sẽ thất thế trước "vòng hai" chiến tranh thương mại với Mỹ?

Trường Đặng 12/08/2024 03:30

Một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lần thứ hai với ông Donald Trump có thể là một cơn đau đầu với Trung Quốc trong bối cảnh bất ổn kinh tế hiện nay.

Trong nhiệm kỳ 2017-2021 của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" của Mỹ và phát động cuộc chiến tranh thương mại chống lại Bắc Kinh. Cuộc đối đầu đã khiến nền kinh tế Trung Quốc ít nhiều bị tổn thương, nhưng cuối cùng nền kinh tế nước này vẫn được giữ vững và phục hồi.

trade war
Thương mại của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của ông Trump nhưng đã phục hồi một phần nhờ Covid-19

Thế nhưng theo các chuyên gia, nếu ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, “vòng hai” của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn khó khăn hơn nhiều với Bắc Kinh.

Ông Trump dọa tăng thuế với Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn nội tại và có thể nói động lực tăng trưởng duy nhất của Trung Quốc hiện nay là xuất khẩu. Nhưng điều đó có thể khiến Bắc Kinh dễ bị tổn thương hơn trước các mức thuế trừng phạt có phần cứng rắn hơn mà vị tỷ phú Donald Trump đang đề xuất.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đã nói rằng ông sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60% hoặc hơn nếu ông thắng cử năm nay.

“Ông Trump sẽ thúc mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc khi nó đang suy thoái,” Matthew Gertken, chiến lược gia địa chính trị hàng đầu tại BCA Research, cho biết.

Cuộc chiến tranh thương mại bùng nổ vào năm 2018 khi ông Trump áp thuế lên đến 25% đối với 350 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc—chiếm 65% tổng kim ngạch năm 2018—bao gồm pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ.

Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng Trung Quốc chịu thiệt hại nặng hơn trong cuộc chiến thương mại đó, nhưng tác động không kéo dài nhờ đại dịch Covid bất ngờ. Xuất khẩu của Trung Quốc đã hồi phục mạnh mẽ trong thời gian cả thế giới bị phong tỏa, đặc biệt là người tiêu dùng ở phương Tây, dẫn tới nhu cầu mua sắm online các sản phẩm điện tử tiêu dùng và các tiện nghi gia đình khác gia tăng.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc từ đó đã tìm được các thị trường mới, được hỗ trợ bởi trợ lực từ Nhà nước và giá thành thấp. Thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đạt mức kỷ lục hàng tháng vào tháng 6 vừa qua gần 100 tỷ USD, nhờ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á.

Hiệp hai của chiến tranh thương mại sẽ ra sao?

Thế nhưng sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào sản xuất và xuất khẩu có thể khiến Trung Quốc nhạy cảm hơn nhiều với việc leo thang trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bất kể ai sẽ lên làm Tổng thống Mỹ vào năm sau.

china-briefing-the-us-china-trade-war-a-timeline3.jpg
Với tân Tổng thống Mỹ vào năm 2025, căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ gây tổn hại lớn hơn cho Trung Quốc

Patrick Zweifel, nhà kinh tế trưởng tại Pictet Asset Management, ước tính rằng nếu bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống Mỹ và duy trì chính sách thuế chọn lọc của chính quyền Biden, điều đó vẫn có thể giảm khoảng 0,03 phần trăm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới.

Hiển nhiên, việc tăng thuế lên 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc như ông Trump đã đề xuất, sẽ thiệt hại lớn hơn nhiều. Trung Quốc sẽ mất khoảng 1,4 điểm phần trăm tăng trưởng vào năm 2025, xuống khoảng 3,4% từ mức 4,8% dự kiến.

Trong khi đó, ngân hàng Thụy Sỹ UBS ước tính rằng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sẽ kìm hãm tăng trưởng GDP khoảng 2,5 điểm phần trăm trong 12 tháng sau khi áp dụng, mặc dù sự kéo lùi có thể chỉ là 1,5 điểm phần trăm nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp đối phó.

Trong giai đoạn trước, Trung Quốc có nhiều điều kiện hơn để phản công lại Mỹ. Nhưng hiện nay, sự bùng nổ xuất khẩu được cho là điểm sáng hiếm hoi của một nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Cuộc khủng hoảng bất động sản khổng lồ hiện đã bước sang năm thứ ba. Bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của thị trường bất động sản và nỗi ám ảnh kéo dài của đại dịch, người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt chặt chi tiêu. Tài chính của chính quyền địa phương đang chịu áp lực nặng nề về nợ công và niềm tin của khu vực tư nhân cả nội địa lẫn nước ngoài đang suy giảm.

Dù vậy, các nhà quan sát dự đoán Trung Quốc vẫn có thể phản ứng bằng cách để đồng Nhân dân tệ yếu hơn nữa, mở rộng hoàn thuế và các ưu đãi khác cho các nhà xuất khẩu, hoặc cắt giảm lãi suất.

Ngoài ra, các nhà hoạch định ở Bắc Kinh có thể cố gắng buộc Mỹ phải xem xét lại bằng cách đáp trả, chẳng hạn như tăng thuế đối với các sản phẩm của Mỹ, giữ lại các nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng và có thể bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ.

Các nghiên cứu được công bố bởi các trường đại học ở Trung Quốc và Đại học Stanford cho thấy vòng thuế đầu tiên của Trump không chỉ làm giảm xuất khẩu mà còn bóp nghẹt thu nhập doanh nghiệp, ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh và tiêu dùng và kìm hãm đầu tư và tuyển dụng. Các nhà kinh tế cho rằng những tác động đó sẽ được lặp lại và khuếch đại lần này vì Trump sẽ áp thuế đối với mọi mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Không chỉ tác động bởi chính sách thương mại của Mỹ, các quốc gia đối tác thương mại khác của Trung Quốc cũng đang nâng cao rào cản.

Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã định hướng lại một số xuất khẩu của mình khỏi Mỹ và bán hàng hoá nhiều hơn cho các nền kinh tế đang phát triển. Với việc thị trường Mỹ thực tế bị đóng cửa bởi mức thuế 60%, Trung Quốc sẽ buộc phải bán nhiều hơn cho các thị trường khác. Nhưng một số nước, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil và Mexico, hiện đang đẩy lùi các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc do lo ngại về việc làm và ngành công nghiệp trong nước.

“Nếu Trung Quốc bị cấm cửa khỏi thị trường Mỹ... họ sẽ phải đẩy hàng hóa của mình sang các thị trường khác một cách mạnh mẽ hơn. Và các điểm đến khác có thể sẽ không chịu đựng được điều đó,” Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết.

Trung Quốc có thể xoa dịu những căng thẳng như vậy bằng cách xây dựng các nhà máy ở nước ngoài để phục vụ các thị trường địa phương. Nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc có cảm xúc lẫn lộn về việc mở rộng ra nước ngoài, Nick Borst, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners, một công ty quản lý tài sản ở California tập trung vào các thị trường mới nổi, cho biết, vì điều đó có thể đồng nghĩa với việc giảm việc làm trong ngành sản xuất ở trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc sẽ thất thế trước "vòng hai" chiến tranh thương mại với Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO