Ứng phó xung đột thương mại với Mỹ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây xung đột thương mại với các đối tác của mình khiến không ít quốc gia phải thận trọng, lên kịch bản ứng phó.
Không chỉ gây xung đột thương mại với Trung Quốc, mà Mỹ còn có bất đồng nghiêm trọng với cả Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mexico, Ấn Độ…
Toan tính của Trump
Vừa qua, chính quyền Trump đã đưa nhiều quốc gia vào danh sách theo dõi về chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ. Đặc biệt, đối với Mexico, ông Trump đã quyết định dùng thuế quan bảo hộ thương mại để ép buộc quốc gia này có chính sách ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ. Theo đó, ông Trump đe dọa từ ngày 10/6 tới sẽ áp thuế nhập khẩu 5% đối với tất cả hàng hoá của Mexico nhập khẩu vào thị trường Mỹ, sau đó tăng dần theo hàng tháng 5% cho tới mức 25% vào tháng 10 tới. Qua đây có thể thấy, ông Trump đã bắt đầu sử dụng chính sách bảo hộ thương mại để phục vụ cho mục tiêu chính trị.
Có thể bạn quan tâm
Tránh "vạ lây" từ xung đột thương mại Mỹ- Trung
11:00, 10/05/2019
[Infographic] Bùng nổ xung đột thương mại giữa các "ông lớn"
11:15, 09/07/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần am hiểu "luật chơi"
11:00, 29/05/2019
Chiến tranh thương mại (Kỳ III): Xung đột Mỹ- Trung leo thang
04:06, 26/05/2019
Chiến tranh thương mại (Kỳ II): EU không nằm ngoài xung đột với Mỹ
11:01, 23/05/2019
Chiến tranh thương mại Kỳ I: Mỹ “gây chiến” với Nhật Bản
13:05, 19/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?
07:30, 22/05/2019
Đối với Ấn Độ, ông Trump cho biết Mỹ sẽ ngừng dành cho nước này hưởng quy chế ưu đãi chung. Quy chế này được Mỹ áp dụng từ năm 1976, miễn thuế cho tất cả các nước đang phát triển xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ theo danh mục cụ thể. Ông Trump quyết định ngừng dành ưu đãi nói trên cho Ấn Độ không phải vì Ấn Độ không còn là quốc gia đang phát triển theo những tiêu chí đánh giá của Mỹ, mà vì ông Trump cho rằng Ấn Độ đã không tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Ấn Độ, tức là chính phủ Ấn Độ bảo hộ thị trường trong nước, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ. Một khi không còn được hưởng quy chế ưu đãi nói trên của Mỹ, thì nhiều hàng hoá Ấn Độ sẽ bị áp thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Việc Mỹ gây sức ép với các đối tác của mình không chỉ đơn thuần nhằm mục tiêu khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ, mà còn ép buộc các đối tác phải mở cửa thị trường, thực hiện những cuộc cải cách về thể chế và cơ cấu kinh tế.
Đối sách của các nước
Nhìn vào cách thức hành xử của ông Trump từ trước đến nay có thể thấy ông Trump sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích cũng như sẽ không chỉ dừng lại ở những đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ đã bị điểm danh.
Đối với các đối tác của Mỹ, nhận thức phải rút ra từ đây là ông Trump sẵn sàng đánh đổi quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại để đáp ứng nhu cầu đối nội trước mắt. Có nghĩa, chẳng có gì ổn định lâu dài trong quan hệ của Mỹ với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực. Một khi phía Mỹ ký kết thoả thuận song phương hay đa phương, rồi lại có ngay những chính sách trái ngược với những cam kết trong các thoả thuận đó, thì các đối tác của Mỹ phải thận trọng và có kịch bản ứng phó kịp thời. Dù vậy, có được thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại với Mỹ vẫn còn hơn rất nhiều so với không có, tuy không loại trừ được hết nhưng cũng phòng ngừa được rất đáng kể rủi ro từ phía Mỹ.
Các đối tác của Mỹ đều có lợi ích thiết thực khi thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác ổn định trên nền tảng thoả thuận và mức độ thể chế hoá cao với Mỹ. Nhưng chính Mỹ cũng có lợi ích ở quan hệ hợp tác với các đối tác, chứ không biệt lập với thế giới bên ngoài. Vì thế, điều quan trọng và cần thiết đối với các đối tác là vừa kiên định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng và không để cho Mỹ tạo cớ gây xung đột thương mại.
Về lâu dài, điều quan trọng đối với các đối tác là cần giảm bớt mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ, công nghệ Mỹ, sản phẩm của Mỹ cũng như chủ động đa dạng hoá nguồn cung ứng và thị trường tiêu thụ. Cũng vì mục tiêu này, các đối tác càng cần tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại với nhau, vừa tăng được thế và lực trong quan hệ với Mỹ, vừa hậu thuẫn lẫn nhau trong trường hợp bị Mỹ trừng phạt kinh tế và thương mại.