Nguồn cội chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại thật ra là cuộc chơi của chủ nghĩa bảo hộ bằng con bài thuế quan. Mỹ, Trung Quốc và hầu hết các nước lớn đang biến chủ nghĩa này thành cuộc chiến tốn kém.
Xuất phát từ cội nguồn thương mại tự do, con người mê muội tham lam phá vỡ nó, rồi nhức đầu nghĩ ra vô số luật pháp, tổ chức quốc tế để thiết lập lại trật tự. Khi mệt mỏi với các điều luật ngăn cấm, người ta bắt đầu kêu gọi trở lại tự do thương mại!
Tự do hóa thương mại ngược lại với chủ nghĩa bảo hộ - giảm thuế quan nhiều nhất có thể, tạo điều kiện tự do mua các sản phẩm rẻ hơn hoặc tốt hơn từ bất cứ nơi nào trên thế giới.
Điều này rất tốt cho các công ty cố gắng cắt giảm chi phí, từ đó đẩy giá xuống và thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các nước nghèo sẽ khó khăn bội phần nếu không được bảo hộ các ngành sản xuất trong nước, thật ảm đạm nếu phải mở toang cánh cửa nhiều tài nguyên nhưng thiếu trình độ khai thác.
Có thể bạn quan tâm
Chiến tranh thương mại dưới góc nhìn “nghệ thuật đàm phán”
11:05, 30/08/2019
ASEAN giữa "tâm bão" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
06:55, 29/08/2019
Chiến tranh thương mại làm "nghẽn" dòng đầu tư quốc tế
05:30, 27/08/2019
Kết thúc giai đoạn một: Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã thành hình!
14:00, 16/01/2020
Đến khi nào cuộc đối đầu này kết thúc? Câu trả lời là khi có một bên đầu hàng - song, đó là kịch bản 99% không thể xảy ra, bởi vì cuộc chiến thương mại bằng dòng đạn USD mới là màn dạo đầu chỉ cho chúng ta thấy phần ngọn của vấn đề mà thôi.
Nói cách khác, thương chiến, công nghệ chiến, và nhiều thứ khác chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh chiến lược giành ngôi bá chủ thế giới giữa một bên đang lên và một bên đang đi xuống một cách tương đối.
Trong một hội thảo gần đây ở Tokyo về chủ đề này, một học giả Mỹ cho rằng cuộc chiến kết thúc khi đạt ba điều kiện: đạt được thỏa thuận về giảm thuế; Trung Quốc cam kết mua một số lượng lớn sản phẩm do Mỹ sản xuất, và Trung Quốc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Các điều kiện này là cốt tử trong đàm phán thương mại giữa hai bên, nhưng chỉ có tác dụng xoa dịu thương chiến chứ không thấm vào đâu so với mâu thuẫn chất chứa mang tính hệ thống giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Dưới góc nhìn triết học, Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia lớn bé nào cũng đều tồn tại trong một hệ thống hữu cơ có mối quan hệ biện chứng, vừa đấu tranh vừa thống nhất với nhau, sự “đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập” chính là mâu thuẫn.
Nhìn ở giác độ này, mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung chính là động lực của sự phát triển, song đó chỉ là mâu thuẫn thứ yếu. Thông qua cạnh tranh, những cái lạc hậu, không hợp xu thế sẽ bị loại bỏ, ví dụ như chủ nghĩa bảo hộ, ăn cắp sở hữu trí tuệ, đơn phương hóa, phân biệt giàu nghèo...
Thực tế, nhờ có chiến tranh thương mại, các nước nhỏ lân bang có cơ hội kìm hãm chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, làm cho các tham vọng thâu tóm của Trung Quốc bị chặn lại.
Một cách sòng phẳng, cũng không nên ngây thơ tin rằng nước Mỹ sẽ cứu thế giới, mang dân chủ công bằng gieo mầm xuống khắp nơi. Cuộc chiến thương mại này cốt là để bảo vệ nước Mỹ không bị đá văng khỏi vị trí số một thế giới.
Phần còn lại nên...vui mừng vì các siêu cường “gây gổ” với nhau, vì họ kìm hãm nhau, triệt tiêu nhau và cơ hội sẽ xuất hiện đối với những chính phủ nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội.