Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại tại Nhà Trắng, khép lại "giai đoạn 1" của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế.
Rạng sáng 16/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tổng thống Trump ca ngợi "đây là một thỏa thuận lịch sử, một bước đi quan trọng tiến tới quan hệ thương mại công bằng và có đi có lại".
Theo đó, ông khẳng định: "Cùng nhau, chúng ta sẽ sửa những sai lầm trong quá khứ", đồng thời cho biết sẽ đi thăm Trung Quốc trong một tương lai không xa để thúc đẩy giai đoạn hai của thỏa thuận.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 01/01/2020
15:14, 14/12/2019
05:02, 27/11/2019
16:06, 07/11/2019
Tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đọc bức thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó cho rằng thỏa thuận này tốt cho Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới. Trong thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định thỏa thuận cho thấy hai nước có khả năng hành động dựa trên cơ sở bình đẳng, đồng thời bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ đối xử công bằng đối với các công ty của Trung Quốc.
Theo văn kiện được ký kết, Bắc Kinh sẽ mua từ Mỹ ít nhất 32 tỉ USD hàng nông sản trong vòng 2 năm; hơn 52 tỉ USD các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu từ Mỹ; gần 40 tỉ USD các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và khoảng 77,7 tỉ USD các hàng hóa công nghiệp Mỹ.
Như vậy, Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng hơn 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp.
Thỏa thuận này cũng bao gồm các điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc cũng như việc Trung Quốc tăng mua hàng của Mỹ; cho phép các công ty tài chính Mỹ gia nhập vào thị trường Trung Quốc cùng việc cam kết sẽ không có những hành động điều chỉnh tiền tệ.
Đáng chú ý, mức thuế 25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 1/9/2019 lên 120 tỉ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%. Nếu Tổng thống Trump nhanh chóng tiến tới được thỏa thuận giai đoạn 2, ông sẽ xem xét dỡ bỏ thuế quan như một phần của thỏa thuận này.
Tuy nhiên, với các điều khoản này, giới phân tích cho rằng vấn đề lớn nhất chính là việc thực thi thỏa thuận, bởi không có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để đảm bảo rằng hai bên sẽ giữ cam kết của mình trong thời gian tới.
Điểm lớn nhất của thỏa thuận là việc Trung Quốc đồng ý mua sản phẩm nông sản từ Mỹ. Nhưng điều này cũng đặt ra câu hỏi, với sự thay đổi rất ít về thuế quan, liệu thỏa thuận này có khiến Trung Quốc thực thi việc nhập khẩu các sản phẩm chủ đạo như đậu nành hay thịt lợn với số lượng lớn hay không. Và nông dân Mỹ có thể có khả năng sản xuất ngay một lượng hàng lớn như con số đã ghi trong thỏa thuận hay không?
Mặt khác, chính quyền Mỹ đã không đạt được những yêu cầu về việc Trung Quốc cần thay đổi về cấu trúc đối với nền kinh tế, giải quyết những khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nhất định.
Với tất cả những điều này, thỏa thuận thương mại có khả năng không thể bù đắp cho những tổn thất mà cuộc chiến thương mại gây ra. Cùng với đó, thỏa thuận giai đoạn một đã được thực hiện một phần do Trung Quốc không sẵn sàng tiến tới các vấn đề lớn phía sau, do đó, việc đàm phán giai đoạn hai sẽ gặp nhiều khó khăn.
Như Marc Busch, chuyên gia giảng dạy kinh doanh quốc tế tại Đại học Georgetown, Mỹ nhận định, đây không được gọi là một thỏa thuận thương mại, mà chỉ là một văn bản để hai bên chấm dứt chiến sự, đi kèm với một số đổi chác. Đồng thời, việc chính quyền Mỹ đặt tên cho thỏa thuận này là "giai đoạn một" với ngụ ý rằng đây chỉ là khởi đầu, không phải là kết thúc những cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Chính vì vậy, thỏa thuận thương mại giai đoạn hai mới chính là điều mà chính quyền Mỹ muốn nhắm đến. Một thỏa thuận thương mại thực sự. Nhưng trước mắt, việc đtạ được thỏa thuận vẫn tốt hơn là không có một thỏa thuận nào.
Bước tiến này sẽ giúp các nhà đầu tư phục hồi niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trước khi chịu ảnh hưởng tử các biến động địa chính trị khác trên toàn cầu, đặc biệt là từ khu vực châu Âu khi Brexit đang tới gần và "điểm nóng" Iran đang xảy ra nhiều hỗn loạn.