Bấp bênh giá dầu mùa dịch
Dịch cúm COVID-19 đã và đang làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khiến giá dầu thế giới giảm mạnh.
Giá dầu giảm đã tác động trái chiều đến lợi ích của nhiều quốc gia, khiến các quốc gia này xoay xở tìm cách giành lại lợi thế.
Thách thức với OPEC
Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, hàng không…. Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3- 0,7% năm 2020, tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh sớm hay muộn.
Khi kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu dầu lửa thế giới sụt giảm, khiến giá dầu sụt giảm mạnh. Theo đó, giá dầu thô Brent giao tại London đã giảm mạnh từ mức trên 70USD/thùng xuống tới mức 53USD/thùng, trong khi giá dầu thô nhẹ ngọt giao tại New York có thời điểm giảm xuống mức 49USD/thùng.
EIA dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 61 USD/thùng vào năm 2020, trong khi giá dầu thô nhẹ ngọt WTI ở mức trung bình 58,5 USD/thùng.
Đối phó với thực trạng trên, Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), trong đó Ả rập Xê út đóng vai trò dẫn dắt tổ chức này, thường quyết định giảm khối lượng dầu lửa được khai thác và tung ra thị trường hàng ngày để chặn đà giảm của giá dầu. Trong quá khứ đã có những thời điểm OPEC quyết định chiều hướng biến động của giá dầu lửa thế giới. Nhưng ngày nay, quyết định của OPEC không còn mạnh mẽ như trước. Nguyên do thế giới đã có những nguồn năng lượng thay thế dầu lửa, có công nghệ mới giúp tiết kiệm sử dụng năng lượng và đặc biệt Nga và Mỹ ganh đua thị phần với OPEC rất quyết liệt. Điều đó đã dẫn tới hình thành liên minh giữa OPEC và một số nước xuất khẩu dầu lửa không phải là thành viên của OPEC, trong đó có Nga.
Dịch COVID-19 bùng phát khiến OPEC phải tìm cách hóa giải thách thức về uy quyền, cũng như mâu thuẫn lợi ích giữa Ả rập Xê út và Nga. Hiện tại, Ả rập Xê út muốn OPEC và các nước liên minh giảm khai thác và tung ra thị trường ít nhất 600.000 thùng, thậm chí cả một triệu thùng mỗi ngày để chặn đà giảm của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, Nga không đồng ý, một phần vì muốn tăng cường khai thác dầu để tăng thu cho ngân sách. Ngoài ra, giá dầu giảm còn đẩy Ả rập Xê út và Nga vào cuộc ganh đua xem bên nào có khả năng chịu đựng tốt hơn và lâu hơn dưới tác động tiêu cực từ giảm giá dầu.
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng của giá dầu thế giới trong năm 2020
07:10, 19/12/2019
Áp lực giảm giá dầu thế giới
03:06, 08/09/2019
Giá dầu “leo thang” dài hạn
03:01, 16/06/2019
Giá dầu mỏ "thấp thỏm" theo diễn biến chính trị!
06:30, 17/05/2019
Toan tính của các bên
Ả rập Xê út thôi thúc Nga đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác dầu lửa không chỉ vì muốn giữ cho giá dầu thế giới không tiếp tục giảm, mà còn giữ cả thế trong quan hệ với Mỹ. Đã từ khá lâu rồi, phía Mỹ gia tăng áp lực mạnh mẽ với OPEC, đặc biệt với Ả rập Xê út tăng chứ không giảm xuất khẩu dầu lửa để hạ giá dầu lửa trên thị trường thế giới. Dù đến nay Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng dầu lửa thế giới, nhưng vẫn cho rằng phải làm cho giá dầu lửa thế giới giảm thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Mỹ còn chủ ý biến việc giảm giá dầu lửa làm vũ khí nhằm vào hai đối thủ của Mỹ vốn đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu lửa là Nga và Iran.
Nga chưa đồng thuận với việc cắt giảm sản lượng dầu lửa cũng do giá dầu thế giới chưa giảm tới mức thấp đến mức nếu tiếp tục xuất khẩu thì Nga bị thiệt hại nhiều hơn là có lợi. Hơn nữa, Nga không muốn để cho Mỹ được "ngồi mát ăn bát vàng". Ngoài ra, Nga còn muốn giữ vị thế của mình trong quan hệ hợp tác với OPEC nói chung và Ả rập Xê út nói riêng.
Dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục khiến giá dầu lửa thế giới sụt giảm, nhưng cũng không giảm kéo dài. Sau dịch bệnh này sẽ là thời kỳ phục hồi tăng trưởng kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư ở Trung Quốc cũng như ở các nước, các vùng bị ảnh hưởng. Khi đó, nhu cầu dầu lửa sẽ tăng, khiến giá dầu lửa sẽ phục hồi trở lại.
Đối với các nền kinh tế khác, biến động hiện tại của giá dầu lửa thế giới chỉ là nhất thời chứ không phải là xu hướng. Do đó, các quốc gia cần xây dựng kịch bản ứng phó với giá dầu sụt giảm hiện tại, cũng như giá dầu phục hồi sau khi dịch COVID-19 được khống chế.