Việc Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cộng với nguy cơ sụt giảm nhu cầu dầu mỏ do thương chiến Mỹ- Trung leo thang, có thể khiến giá dầu giảm trong thời gian tới.
Trong thập kỷ qua, sản lượng dầu khai thác của Mỹ đã tăng gấp đôi, lên 12,3 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, nhưng giá thành sản xuất của dầu mỏ của Mỹ nói chung và dầu đá phiến nói riêng tương đối cao so với mặt bằng chung của thế giới.
Cũng vì chi phí sản xuất dầu mỏ của Mỹ tương đối cao, nên sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ cũng không lớn. Giới chuyên gia cho rằng, về trung và dài hạn, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng mạnh, qua đó sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu thế giới.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang đã và đang làm suy giảm kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới giảm mạnh. Điều này có nguy cơ khiến giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong cuộc khảo sát mới đây của Reuters đối với 51 chuyên gia kinh tế, giá dầu thế giới bình quân trong năm nay có thể đạt 57,9 USD/thùng, giảm so với mức 59,2 USD/thùng được đưa ra vào tháng 7.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 17/05/2019
15:00, 30/12/2018
11:00, 21/12/2018
21:07, 07/12/2018
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Việt Nam không nằm ngoài những tác động từ giá dầu giảm. Bởi vì, dầu là đầu vào, là vật tư chiến lược quan trọng đối với hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng lưu ý, việc giá dầu giảm sẽ có tác động hai mặt. Mặt tích cực ở đây là chi phí đầu vào của các ngành giảm nên giá thành hạ, góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, giá dầu giảm, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia, bởi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ chỉ chiếm từ 8-9%, thay vì 25% như trước đây. Do đó, tác động này không quá lớn.
Đối với doanh nghiệp, ông Long cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm, đồng nghĩa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố đầu vào, chứ không phải là tất cả. Vì vậy, để có thể phát triển bền vững, bên cạnh việc giảm chi phí đầu vào, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động, thiết bị công nghệ… Nghĩa là doanh nghiệp vừa tranh thủ yếu tố đầu vào giảm, đồng thời cải tiến rất nhiều yếu tố khác để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho chính mình.