Nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu thô thế giới có thể sẽ khó có sự tăng đột biến nào trong năm 2024.
>> Giải mã “ẩn số” giá dầu năm 2024
Một cuộc khảo sát của Reuters với 30 nhà kinh tế và nhà phân tích cho thấy giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82,56 USD/thùng trong năm 2024.
Cục diện thị trường dầu mỏ thế giới năm 2023 được định hình bởi loạt quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Angola rời khỏi OPEC và xuất cảng dầu kỷ lục của Mỹ. Khép lại năm 2023, cả giá dầu thô WTI và dầu Brent đều chứng kiến mức trượt giá hàng năm đầu tiên, khoảng 10% kể từ năm 2020.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Trước mắt, hợp đồng tương lai với dầu Brent giao tháng 1 tăng 2,11 USD, tương đương 3,04%, đạt 71,58USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 2 tăng 2,35 USD, tương đương 3,16%, đạt mức 76,61 USD/thùng.
Việc giá dầu tăng nhẹ trong khoảng thời gian đầu năm 2024 là do lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm 4,3 triệu thùng. Và tín hiệu từ FED sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, có thể thúc đẩy nhu cầu dầu. Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng - vào thời điểm cuối năm 2023 - khi FED cho biết đợt tăng lãi suất đã kết thúc. Đồng đô la yếu hơn khiến dầu rẻ hơn, từ đó có thể kích thích nhu cầu.
Một số thành viên OPEC và các đồng minh chủ chốt như Nga đã tuyên bố sẽ cắt giảm nguồn cung 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý 1/2024. Cho dù cam kết này bị hoài nghi tính khả thi, nhưng tâm lý nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng.
Ngoai ra, nguy cơ mất an ninh tuyến đường vận tải dầu thô quan trọng bậc nhất qua kênh đào Suez và khả năng xung đột Israel - Hamas lan rộng; chiến sự Nga - Ukraine khốc liệt hơn… cũng là những “ẩn số” khiến nguồn cung bị gián đoạn.
>> Xung đột Israel - Hamas vẫn nóng, giá dầu giảm mạnh vì đâu?
Tuy vậy, trong một năm mà tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, “đáy’ khủng hoảng vẫn chờ phía trước thì giá dầu khó tăng mạnh như mong muốn của OPEC+. Cùng lúc đó, Mỹ, Brazil và Guyana đang bơm “nguồn cung phá kỷ lục”. Tăng trưởng sản lượng bên ngoài OPEC sẽ chậm lại trong năm tới, song, dự kiến vẫn vượt nhu cầu ở mức 1,2 triệu thùng/ngày.
Dầu mỏ là loại năng lượng cốt lõi, bao hàm trong đó các quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao rường cột của thế giới. Do vậy, giá dầu là tấm gương phản chiếu chính xác nhất tình hình quốc tế, trước hết là triển vọng nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng bủa vây.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu giá dầu tăng 100% trong vòng 12 tháng liên tiếp, thường xảy ra khủng hoảng ngay sau đó. Còn nhớ thời điểm trước khủng hoảng, tính chung năm 2021, giá dầu thô bình quân ở mức khoảng 69,4 USD/thùng. Đến tháng 8/2022 giá dầu vọt lên 133,18USD/thùng, tăng gần 100%. Lúc này, khủng hoảng đã thực sự xảy ra.
Vậy, nếu giá dầu năm 2024 xoay quanh mốc 80USD/thùng như dự báo, sẽ cho thấy điều gì? Trước hết, mức giá này không gây tổn hại đến tình trạng kinh tế hiện tại, nếu không muốn nói rằng, dầu mỏ đang bị dẫn dắt bởi khả năng phục hồi kinh tế Trung Quốc, EU.
Theo phân tích của hãng Bloomberg, giá dầu trên 100USD/thùng cũng chỉ khiến GDP Mỹ mất đi 0,4 điểm phần trăm và GDP toàn cầu chỉ giảm 0,2% vào năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại, tác động còn ít hơn do số năng lượng cần để sản xuất một đơn vị kinh tế đã giảm mạnh nhờ tiến bộ công nghệ và xu hướng kinh tế tuần hoàn.
Quý 1/2024 là thời điểm bản lề để làm rõ hơn giá dầu; nếu OPEC+ không tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng, thì giá dầu sẽ giảm sâu hơn mức 80USD/thùng. Các “biến số” ở Nga, Iran và Venezuela rất đáng quan tâm. Venezuela đã quay lại thị trường dầu mỏ sau khi Mỹ nới lỏng cấm vận. Nga và Iran vẫn là hai nguồn cung lớn bất chấp bị cấm vận.
Iran hiện đặt mục tiêu sản xuất 3,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý 1/2024, tăng so với 3,4 triệu thùng hiện tại. Đáng chú ý, nước này cũng đã chính thức giao dịch dầu bằng đồng nội tệ với Trung Quốc. Trong khi đó, Nga đóng vai trò là “kho dầu” cho Trung Quốc và Ấn Độ, gián tiếp chảy vào châu Âu.
Ngoài ra, ngay thời điểm đầu năm mới 2024, có thêm 5 quốc gia chính thức gia nhập BRICS. Trong đó, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất, Iran là những cường quốc xuất khẩu dầu. Có nghĩa rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu có thêm “tay chơi” mới.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Israel - Hamas: Kịch bản “ớn lạnh” về giá dầu thế giới
04:00, 06/11/2023
Ứng phó với giá dầu tăng cao những tháng cuối năm
05:01, 01/11/2023
Cổ phiếu ngành dầu khí có biến động “cùng pha” với giá dầu?
05:30, 23/10/2023
Giá dầu sẽ vẫn là trọng tâm của giới đầu tư trong 5 năm tới
05:05, 10/10/2023
Giá dầu "bứt phá", lạm phát sẽ nóng trở lại?
04:30, 05/10/2023
“Cú sốc” tiềm ẩn với giá dầu
00:30, 02/10/2023
Giá dầu sẽ vượt mức 90 USD một thùng?
11:00, 08/09/2023