Giá dầu thô quay đầu tăng sau 3 tuần giảm liên tiếp, khiến nhiều chuyên gia lo ngại giá có thể vượt mốc 100 USD/thùng trong phần còn lại của năm. Điều này lại dấy lên lo ngại về áp lực lạm phát.
>> Giá dầu sẽ vượt mức 90 USD một thùng?
Giá dầu thế giới đang bước vào giai đoạn biến động khó lường. Đầu tuần này, giá dầu Brent giao tháng 12 ở mức cao 90,71 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ cũng ở mức 88,82 USD/thùng. Giá dầu đã tăng gần 30% trong quý III trước những dự báo về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu thô.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại giá năng lượng có thể vượt mốc 100 USD và đẩy lạm phát toàn cầu lên một nấc thang mới – yếu tố sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách hơn nữa và giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu.
Những chuyên gia dự báo giá dầu thô sẽ tăng dựa trên khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên đối với nhu cầu dầu. Những cơn gió ngược về mặt kinh tế đã không ngăn cản khách du lịch khắp nơi trên thế giới di chuyển với số lượng kỷ lục trong mùa hè này, từ đó thúc đẩy nhu cầu xăng dầu và nhiên liệu máy bay. Du lịch Mỹ, đạt đỉnh điểm vào cuối tuần Ngày lễ Lao động vào đầu tháng 9, vẫn duy trì mạnh mẽ.
Thậm chí, các chuyên gia cho rằng mức giá hiện nay dù cao nhưng vẫn nằm trong “sức chịu đựng” của người tiêu dùng. Chuyên gia Jorge León của Rystad Energy, một công ty tư vấn, ước tính rằng sự sụt giảm nhu cầu xăng dầu sẽ chỉ xảy ra khi giá dầu thô tăng lên mức 110-115 USD/thùng.
Đồng thời, các số liệu gần đây cho thấy những dấu hiệu lạm phát ở Mỹ đã chậm lại. Các nhà kinh tế lạc quan cho rằng thậm chí nền kinh tế Mỹ đã thoát được một cú “hạ cánh cứng”. Kết quả, sự kết hợp giữa hai yếu tố này đã đẩy giá dầu tăng 30%, lên hơn 90 USD/thùng, thời gian qua.
Một nguyên nhân khác đến từ các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Việc OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng khiến giá tăng cao và giúp thúc đẩy lợi nhuận của các quốc gia này. Điều này khiến các chuyên gia dự báo các nhà sản xuất sẽ tiếp tục duy trì nguồn cung thắt chặt như hiện nay.
>> Giá dầu 2023 có còn nóng?
Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu thấp hơn, doanh thu của Saudi Arabia trong quý này có thể cao hơn 30 USD/ngày so với quý trước, tăng 6%, theo Energy Aspects, một công ty tư vấn. Doanh thu của Nga từ lĩnh vực này tương tự cũng tăng lên đáng kể.
Khác với thời điểm năm 2010 khi OPEC và Nga cũng hợp tác để cắt giảm nguồn cung, lượng dầu bù đắp từ các công ty dầu đá phiến của Mỹ đã không còn dồi dào như trước. Hiện tại, sản lượng đang tăng lên nhưng các công ty này đã phải đóng cửa nhiều giếng do chi phí cao hơn. Số lượng giàn khoan đá phiến của Mỹ đã giảm 20% so với tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, những ý kiến dự báo giá xuống lại nghĩ khác. Các chuyên gia này tin rằng sự phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc không mạnh mẽ như dự báo. Ngân hàng JPMorgan Chase dự đoán nhu cầu của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong thời gian còn lại của năm. Ngoài ra, khi Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục trong 8 tháng đầu năm, phần lớn trong số đó được dự trữ để lọc dầu. Các nhà phân tích nhận định nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tạm dừng mua hàng nếu giá tăng thêm.
Những dấu hiệu đáng lo ngại về nhu cầu dầu cũng đang xuất hiện từ Mỹ. Áp lực từ giá dầu cao đang làm tăng áp lực lạm phát cơ bản khi các công ty trong nhiều lĩnh vực bắt đầu phải tăng giá để bù đắp chi phí. Cục Dự trữ Liên bang ở Cleveland dự đoán CPI cơ bản sẽ tăng lên 4,19% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, từ mức 4,17% trong tháng 9.
Khi lạm phát cao hơn đáng kể mức kỳ vọng 2%, FED nhiều khả năng sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, khiến suy yếu nền kinh tế Mỹ và tác động đến nhu cầu sử dụng năng lượng.
Cũng theo luồng quan điểm này, dù giá dầu thô có thể tăng trong ngắn hạn, đà giảm sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm tới. Các nhà phân tích cho rằng dữ liệu kinh tế tích cực trong ngắn hạn có thể đẩy giá lên trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, vào năm 2024, tác động thẩm thấu của lãi suất cao sẽ làm giảm nhu cầu sản xuất, khiến nhu cầu dầu giảm, đẩy giá dầu hạ nhiệt.
Có thể bạn quan tâm