ChAI vừa đưa ra phân tích các yếu tố định hình giá của 5 loại hàng hoá trên toàn cầu gồm: Dầu thô Brent, khí tự nhiên, đồng, lúa mì và cà phê.
>> Giải mã “ẩn số” giá dầu năm 2024
Sau khi COVID-19 qua đi, khác với sự hỗn loạn của hai năm trước, năm 2023 là một cột mốc lớn đánh dấu sự chuyển biến đáng kể của thị trường hàng hóa.
Năm 2023 được kì vọng là năm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên điều này đã không thành hiện thực bởi nhu cầu sử dụng dầu thực tế thấp hơn so với dự đoán. Cụ thể, giá dầu thô Brent trong nửa đầu năm 2023 trung bình khoảng 80 USD, giảm so với mức trung bình 95 USD trong khoảng 6 tháng cuối năm 2022.
Vào giai đoạn nửa sau của năm 2023, việc cắt giảm sản lượng của OPEC, đặc biệt đến từ hai “ông lớn” Saudi Arabia và Nga, đã gây ra ảnh hưởng đáng kể tới thị trường dầu thô. Giá dầu thô Brent đã tăng từ mức 70 USD lên tới hơn 95 USD vào cuối tháng 9/2023. Theo ngay sau đà tăng trưởng này là sự sụt giảm vào tháng 10 do những biến động mới xoay quanh xung đột Israel - Hamas, đi kèm với đó là những lo ngại về nhu cầu dầu mỏ sụt giảm.
Thông qua tình hình trên, ChAI đã đưa ra kì vọng về giá dầu thô Brent trung bình năm 2024 khoảng 81USD/thùng, đây có thể coi là một dự đoán khá trung lập và cẩn trọng dựa trên động lực thị trường cũng như tình hình kinh tế toàn cầu. Điều này nhận được sự đồng thuận lớn bởi tình trạng mong manh của nhu cầu dầu thô khi chuẩn bị bước vào năm 2024.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất cần được theo dõi trong thời gian gần đây là những cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ của phiến quân Houthi khiến giá cước vận chuyển tăng mạnh, kéo theo đó là giá dầu tăng một cách đột biến.
Giống như đường và cacao, giá cà phê đã bất chấp các xu hướng chung của hàng hóa, tăng mạnh do điều kiện khô hanh liên quan đến chu kỳ El Niño. Cả cà phê Arabica và Robusta đều có mức tăng giá đáng kể do tác động của khí hậu ở các khu vực sản xuất chính như Brazil, Trung và Nam Mỹ và Đông Nam Á. Kể từ tháng 1/2023, giá cà phê arabica tăng hơn 35%; còn giá cà phê Robusta tăng hơn 55%, mặc dù hai thị trường có diễn biến khác nhau trong những tháng qua.
Bên cạnh điều kiện hiện tại và dự báo về thời tiết, giá cà phê cũng nhận được sự hỗ trợ trong quý 3 năm 2023 nhờ nguyên tắc cấm gửi lại hạt cà phê cũ trong bộ quy định của ICE về cà phê tồn kho. Trước đây, quy định về xử lý cà phê tồn kho vẫn còn những lỗ hổng, từ đó người bán có thể lách luật bằng cách loại bỏ hạt cà phê khỏi kho trao đổi và sau đó gửi lại những hạt cà phê đó dưới dạng cây trồng tươi. Tuy nhiên sự thay đổi này đã mang tới những tín hiệu tích cực, số lượng tồn kho của cả cà phê Arabica và cà phê Robusta được giữ trong kho ICE vào những tháng gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Theo đó, ChAI dự báo giá cà phê Arabica và giá cà phê Robusta năm 2024 lần lượt ở mức 210 USD/tấn và 2.708 USD/tấn. Trong đó, giá cà phê Arabica dự kiến sẽ giảm vào cuối quý 1 trước khi tăng giá, trong khi giá cà phê Robusta có thể đạt đỉnh vào quý 1 và sau đó giảm xuống. Điều kiện thời tiết và các thay đổi chính sách sẽ tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến thị trường cà phê năm 2024.
Vào năm 2023, thị trường khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã ổn định đáng kể so với hai năm trước. Việc chuyển sang thời kỳ hậu thời đại khí đốt Nga và một mùa đông ôn hòa đã giúp châu Âu bắt đầu năm mới với mức dự trữ khí đốt cao kỷ lục, dẫn đến một giai đoạn ổn định khi giá khí tự nhiên giảm dần qua tháng 6/2023.
Trong tháng 8, thị trường đã phải đối mặt với những thách thức từ các cuộc đình công tại các dự án LNG ở Australia, điều này góp phần khiến giá thành tăng cao và làm rõ rệt hơn sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn nhập khẩu khí đa dạng trong bối cảnh không có nguồn cung từ Nga.
Mối đe dọa về các cuộc đình công ở Australia đã xuất hiện trên thị trường trong vài tuần trước khi giá đạt đỉnh vào giữa tháng 10/2023, kết hợp với xung đột ở Trung Đông và vụ phá hoại đường ống dẫn khí giữa Phần Lan và Estonia đã đẩy giá lên trên 50 Euro/MWH lần đầu tiên kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, kể từ đó giá cả đã trở lại ổn định và có xu hướng giảm, do vậy lượng dự trữ ở châu Âu trở nên dồi dào giúp giảm nguy cơ xảy ra sự cố lớn trong mùa đông này.
>> Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng hoảng khí đốt
Dự báo trung bình của ChAI cho hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF trong năm 2024 là 35 Euro/MWH, với kỳ vọng giá sẽ giảm nhẹ so với mức hiện tại vào giữa năm 2024 trước khi tăng trở lại vào mùa đông tiếp theo.
“Một biến số quan trọng đối với giá khí đốt ở châu Âu là số lượng các khu công nghiệp năng lượng cao đã bị đóng băng trong vài năm qua. Có một lượng lớn nhu cầu khí đốt chưa được kích hoạt trên lục địa này, điều này có thể sẽ làm gia tăng giá cả nếu ngành công nghiệp được hồi sinh vào năm 2024” ChAI nhấn mạnh.
Đầu năm 2023, giá đồng đã có một bước nhảy vọt khi tăng hơn 12% trong vòng 3 tuần đầu tiên của tháng 1. Bước tiến lớn về giá đồng diễn ra trên toàn bộ thị trường kim loại cơ bản, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự tăng vọt này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi giá đồng dần trở nên ổn định hơn trong thời gian còn lại của năm 2023, dao động trong khoảng từ 7.800 USD đến 8.800 USD/tấn.
Việc trì trệ trong lĩnh vực xây dựng cũng như bất động sản tại Bắc Kinh đã góp phần khiến cho giá đồng giảm, trong khi đó ở cả châu Âu và Hoa Kỳ, tốc độ điện hóa cũng đã dần chậm lại. Sự chuyển đổi sang năng lượng và nhu cầu liên quan đến đồng sẽ tiếp tục là chủ đề chính đối với kim loại đỏ trong tương lai. Tuy nhiên, tình hình lạm phát trong năm vừa qua vô hình chung đã tạo ra một áp lực rất lớn lên người tiêu dùng, từ đó làm giảm khả năng mua xe điện ở phương Tây. Trong khi đó, sự thành công của các nhà sản xuất xe điện trên thị trường nội địa của Trung Quốc sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu đồng trong năm nay.
Đáng chú ý, mối lo ngại về nguồn cung đồng trong tương lai vẫn còn tồn tại. Mỏ đồng Cobre Panama do Công ty Canada First Quantum Minerals điều hành đã bị đóng cửa bởi chính phủ Panama sau những cuộc biểu tình lớn từ các nhà hoạt động môi trường và các nhóm dân tộc bản địa. Việc đóng cửa mỏ này từng đóng góp vào khoảng 1,5% sản lượng đồng toàn cầu, báo hiệu sự không chắc chắn trong tương lai về nguồn cung kim loại này.
Theo đó, ChAI dự báo giá đồng trong năm 2024 ở mức trung bình khoảng 8.570 USD/tấn. Giá đồng có thể sẽ tăng trong Quý 1, sau đó giảm vào giữa năm, và cuối cùng đạt gần mốc 8.700 USD vào cuối năm.
Trong nửa đầu năm nay, một số gia hạn thỏa thuận về ngũ cốc biển Đen đã giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung lúa mì, từ đó đưa giá lúa mì xuống. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, vụ lúa mì bội thu mới của Nga đã góp phần khiến giá lúa mì giảm càng sâu hơn. Nga dự kiến sẽ xuất khẩu 46 triệu tấn lúa mì - một con số kỉ lục vào niên vụ 2022/23, và dự kiến sẽ có thêm 3 triệu tấn vào năm 2024.
Theo đó, ChAI dự báo giá lúa mì trung bình năm 2024 sẽ ở mức 6,06 USD/giạ, với giá tăng vào giữa năm trước khi quay trở lại mốc 6 USD/giạ trong quý 4/2024.
Một yếu tố quan trọng cần theo dõi trong dự báo giá nông sản nói chung và giá lúa mì nói riêng, đặc biệt là ở khu vực trồng lúa của Australia và Hoa Kỳ, là hiện tượng El Niño. Điều này có thể làm tăng giá ngũ cốc nói chung và lúa mì nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu trong nước có thể tăng?
00:03, 28/12/2023
Giá dầu thô ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh của ngành dầu khí tại Việt Nam
04:30, 20/12/2023
Ứng phó với giá dầu tăng cao những tháng cuối năm
05:01, 01/11/2023
Nga "phá vỡ" thỏa thuận ngũ cốc, giá lúa mì sẽ tăng vọt
04:00, 31/10/2022
Giải pháp tình thế với lúa mì nhập khẩu
00:24, 18/10/2018