"Nóng" cuộc đua sản xuất khẩu trang y tế
Bên cạnh máy thở, khẩu trang cũng trở thành mặt hàng khan hiếm thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp toàn cầu.
General Motors đang khuyến khích các nhà cung cấp nguyên liệu tham gia vào việc hỗ trợ sản xuất khẩu trang y tế cho các y bác sĩ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh mẽ tại Mỹ. Cụ thể, GM sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất những thông số kỹ thuật chi tiết về vật liệu, thiết bị và quy trình cơ bản, những gì nhà cung cấp cần biết để tăng cường dây chuyền sản xuất của chính họ.
Hiện tại, GM cũng đã nhanh chóng thiết lập và bắt đầu thử nghiệm sản xuất tại một trong những nhà máy ở ngoại ô Detroit vào tuần trước. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ chế tạo mặt nạ phẫu thuật tại cơ sở Warren, Michigan, bắt đầu từ đầu tháng 4 với sản lượng 50.000 mặt nạ mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm
Đồng Tháp: Xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang, tập trung đông người
16:03, 06/04/2020
Phạt đến 7 triệu đồng nếu vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định
20:49, 05/04/2020
Hải Phòng: Xử lý gần 100 trường hợp không đeo khẩu trang
19:09, 03/04/2020
Xuất khẩu khẩu trang sẽ cứu nhiều doanh nghiệp
11:57, 03/04/2020
Tương tự, Tập đoàn công nghệ Apple lên kế hoạch xuất xưởng khoảng 1 triệu mặt nạ bảo hộ mỗi tuần để cung cấp cho các nhân viên y tế cho các bệnh viện tại Mỹ. Theo Giám đốc điều hành (CEO) Apple, Tim Cook cho biết mỗi tấm mặt nạ được sản xuất trong chưa đầy hai phút, có tính năng điều chỉnh kích cỡ đầu và phần bảo vệ phía trước.
Việc tham gia vào cuộc chạy đua sản xuất khẩu trang không chỉ góp phần giúp các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội mà còn giúp các công ty duy trì hoạt động sản xuất, thu về lợi nhuận. Wolford, hãng thời trang nổi tiếng có trụ sở chính tại hai quốc gia Italy và Áo đã thành công trong việc thay đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất từ đồ thời trang sang khẩu trang.
Hãng thời trang này tập trung vào việc nâng cao dây chuyền sản xuất với công suất khoảng 8.000 chiếc khẩu trang chất lượng cao mỗi ngày. Bên cạnh việc sản xuất hai khẩu trang y tế với tên gọi FFP2 và FFP3 nhằm hỗ trợ các bệnh viện và trung tâm y tế tại Vienna, Áo, Wolford đã bắt đầu bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trên toàn thế giới và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.
Những chiếc mặt nạ bảo hộ đầu tiên đã được chuyển đến bệnh viện Kaiser Permanente nằm ở Thung lũng Santa Clara thuộc California trong tuần qua. Công ty này hiện đang tìm nguồn cung vật liệu tại Trung Quốc và đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tại các nhà máy của hãng tại Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến, sau khi cho các bệnh viện ở Mỹ, Apple sẽ mở rộng xuất khẩu sang các nước khác.
Có thể thấy, sự khan hiếm khẩu trang y tế cũng như các loại khẩu trang thông thường đã thúc đẩy cuộc chạy đua trên toàn cầu. Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến xấu kéo theo việc nhiều y bác sĩ bị nhiễm COVID-19 đã làm thức tỉnh các quốc gia châu Âu và Mỹ về việc cần sử dụng khẩu trang.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, cuộc chạy đua sản xuất khẩu trang sẽ ngày một "nóng" hơn bao giờ hết, đồng thời gây ra lo ngại về một tình trạng hỗn loạn toàn cầu, tạo điều kiện cho những lô hàng kém chất lượng được tung ra thị trường. Tương tự như máy thở, việc sản xuất khẩu trang y tế một quá trình phức tạp và không phải tất cả các nhà sản xuất có đủ máy móc hiện đại để thực hiện điều đó.
Trên thực tế, những nhà sản xuất khẩu trang y tế sử dụng các vật liệu chuyên dụng làm từ sợi tổng hợp, thường là loại xơ polypropylen để tạo thành một mạng lưới các sợi nhỏ bằng cách sử dụng công nghệ tan chảy hoặc công nghệ kéo sợi nóng chảy (spunbond).
Loại xơ polypropylen có khả năng lọc các hạt siêu nhỏ, đó là lý do tại sao loại xơ này được chuyên dùng để sản xuất khẩu trang y tế như khẩu trang N95 khi cho phép giảm nguy cơ nhiễm bẩn của dịch tiết từ miệng và mũi trong phòng phẫu thuật hoặc phòng khám.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tham gia vào cuộc đua chỉ sản xuất loại khẩu trang bằng vải cotton thông thường, không đủ khả năng chống lại sự lây nhiễm trong các khu chữa bệnh cho các ca nhiễm COVID-19. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, nếu các quốc gia không có sự sàng lọc kỹ càng sẽ dẫn đến tình trạng mua nhầm các loại khẩu trang không đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng đã lưu ý các doanh nghiệp thận trọng đối với một số trường hợp quảng cáo trên các trang mua bán trực tuyến về việc có khả năng cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế để tránh mua phải nguồn kém chất lượng, gây mất uy tín.
Việc sử dụng khẩu trang vẫn đang có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh những ca bệnh không triệu chứng đang có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, bên cạnh thực hiện giãn cách xã hội, người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang vải khi đến những nơi công cộng.