Thị trường khẩu trang: Mỹ lấy tiền "đè" đối thủ, đồng minh bất mãn!

Cẩm Anh 09/04/2020 03:00

Từ vật phẩm được sử dụng để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, giờ đây chiếc khẩu trang đang vô tình trở thành "vách ngăn" giữa các quốc gia.

Cuộc chiến khẩu trang giữa các quốc gia đang trở nên nóng hơn bao giờ hết

Cuộc chiến khẩu trang giữa các quốc gia đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết

Mỹ đang đối mặt với chỉ trích từ Đức do nẫng tay trên lô khẩu trang của nước này. Đây là lô hàng dự kiến sẽ được vận chuyển đến Berlin cho lực lượng cảnh sát, nhưng nó đã không đến được đích. Điều này bộc lộ một sự thật, đằng sau chiếc 'khẩu trang", những rạn nứt giữa các quốc gia đang ngày một gia tăng.

Có thể bạn quan tâm

  • Đơn hàng 400 triệu khẩu trang y tế, trị giá 52 triệu USD đã có chủ

    Đơn hàng 400 triệu khẩu trang y tế, trị giá 52 triệu USD đã có chủ

    14:10, 08/04/2020

  • "Nóng" cuộc đua sản xuất khẩu trang y tế

    07:00, 07/04/2020

  • Xuất khẩu khẩu trang sẽ cứu nhiều doanh nghiệp

    Xuất khẩu khẩu trang sẽ cứu nhiều doanh nghiệp

    11:57, 03/04/2020

  • Doanh nghiệp dệt may đã đến lúc cho xuất khẩu khẩu trang

    Doanh nghiệp dệt may đã đến lúc cho xuất khẩu khẩu trang

    06:22, 01/04/2020

Phá vỡ thị trường

Có thể thấy, việc các vùng dịch lớn như Mỹ và châu Âu lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang đã vô tình kích hoạt cuộc cạnh tranh không còn luật chơi công bằng giữa các cường quốc có tiềm lực kinh tế mạnh. 

Việc gần như tất cả đang trông đợi vào những lô hàng từ Trung Quốc và các nhà sản xuất khác ở châu Á, các quốc gia đã sẵn trả giá cao hơn bằng tiền mặt để mua đứt các chuyến hàng ngay trên đường vận chuyển.

Theo các quan chức giấu tên của Bộ an ninh nội địa Mỹ chia sẻ với hãng tin Reuters, các doanh nghiệp và chính phủ Mỹ đang chi trả mức giá cao hơn giá thị trường để mua khẩu trang từ nước ngoài. Quan chức này còn cho biết chính phủ tổng thống Trump sẽ không dừng mua khẩu trang và có thể kéo dài thời gian thu mua mặt hàng này cho tới hết tháng 8.

Tương tự, Chủ tịch vùng Ile-de-France bao gồm Paris và Valerie Pecresse cũng hé lộ, một lô khẩu trang mà họ đã đặt bị đối thủ lấy mất bằng cách trả giá cao hơn bằng tiền mặt vào phút chót và còn không cần xem hàng!

Trên thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu thanh toán đầy đủ rồi mới giao khẩu trang hoặc chỉ đáp ứng đơn đặt hàng từ những người mua trả nhiều và nhanh nhất. Đối với nhiều bên mua hàng, đây là một điều khoản phi lý và đầy rủi ro khi những nước phải sử dụng tiền thuế của người dân không đủ nguồn lực để cạnh trang với các nước lớn.

Hiện nay, các nhà máy sản xuất chỉ quan tâm đến tiền mà không cần biết người mua là ai. Điều này đã làm thị trường mua sắm vật tư y tế trở nên hỗn loạn khi các hình thức cạnh tranh và sự minh bạch trước đây không còn.

Sẽ cồn nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lại trật tự giao dịch trên thị trường để đảm bảo các thiết bị quan trọng như khẩu trang và máy thở đến với những người cần chúng nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang chuẩn bị sẵn nguồn tiền mặt lớn để có thể mua các lô hàng khẩu trang được xuất khẩu.

Do đó, các chuyên gia nhận định, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, việc các quốc gia đã đặt "lợi ích riêng là trên hết” trong bối cảnh hiện tại, rõ ràng sẽ làm cho môi trường kinh doanh quốc tế trở nên bất ổn hơn. 

Đồng minh rạn nứt

Bên cạnh việc phá vỡ các quy tắc của thị trường, cuộc chiến khẩu trang đã góp phần tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, cũng như giữa nội bộ các quốc gia châu Âu với nhau. 

Như Roland Paris, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Ottawa đã nói, việc các quốc gia quan tâm đến công dân của họ trước là điều bình thường. Nhưng sự ích kỷ và thiếu phối hợp giữa các nước được cho là đồng minh hàng đầu của nhau đã được đã để lại một "mớ hỗn loạn".

Trong khi các nước châu Âu lúng túng trong việc tìm tiếng nói chung, với Mỹ, việc dịch bệnh diễn biến bất thường đã làm cường quốc được cho là "lãnh đạo" thế giới mất đi vị trí của mình. Ngay trong cuộc chiến khẩu trang, Mỹ cũng đã thất bại trong việc kiểm soát tin giả khi mọi thông tin đính chính từ Washington không làm giảm sự nghi ngờ của những nước đồng minh.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo cơ hội cho một số cường quốc khác vươn lên, điển hình như Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, COVID-19 đã mang cơ hội cho Trung Quốc xoay chiều nhanh chóng từ một nạn nhân sang một lãnh đạo toàn cầu trong việc chống lại sự lây lan của đại dịch.

Rất có thể sau khi đại dịch kết thúc, thế giới sẽ chứng kiến một trật tự mới, một mô thức mới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các cường quốc, đặc biệt là châu Âu tìm ra phương thức cải tổ hoạt động, củng cố lại sự đoàn kết đã lung lay từ trước do ảnh hưởng tiêu cực của Brexit. Tương tự, Mỹ cũng cần phải "khỏe" thật nhanh để tiếp tục duy trì vị thế.

Cẩm Anh