Cuộc đua điểm hẹn đầu tư, nước nào giành “pole”?

Nguyễn Chuẩn 19/05/2020 07:00

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Mỹ đang cố gắng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc và COVID-19 phải chăng là thời cơ cho sự thay đổi?

Đại dịch COVID-19 bùng nổ đã bộc lộ sự phụ thuộc của thế giới phương Tây và Mỹ vào Trung Quốc đối với một số mặt hàng chiến lược. Máy thở và khẩu trang là hai thứ thiết yếu nhất trong dịch bệnh đã không được cung ứng một cách đầy đủ nhất ở thời điểm đó.

Mặc dù sau đó, máy thở đã được một số các công ty tư nhân hợp tác với chính phủ Mỹ như General Motors và Tesla tiến hành sản xuất nhưng chừng đó là không đủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Điều đó khiến “nước Mỹ vĩ đại” tự ái! Và Donald Trump với cá tính mạnh mẽ đã không thể ngồi yên nhìn mọi việc ngày càng trở nên tồi tệ. Thời điểm này, Bộ Ngoại giao Mỹ được cho là đang làm việc với các cơ quan và chính phủ nước ngoài để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ từ Trung Quốc. Điều này bao gồm việc quay trở lại sản xuất tại Hoa Kỳ và mở rộng cơ sở của các đối tác sản xuất quốc tế của nước Mỹ.

Tuy nhiên, để đưa chuỗi cung ứng trở lại Hoa Kỳ là điều rất khó. Trong hầu hết các trường hợp, đòi hỏi phải có chi phí vốn khổng lồ - toàn bộ các nhà máy mới, hoặc bổ sung cho các nhà máy hiện có. Việc phải chi thêm hàng tỷ đô la để làm điều đó khiến cho các doanh nghiệp và Phố Wall phải tính toán một cách đau đầu!

Ba thập kỷ trước, các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc vì một lý do: chi phí thấp. Thời điểm này, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đang khiến các doanh nghiệp Mỹ tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng như là một phương cách để đối phó lại sự suy thoái và rủi ro từ việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Và châu Á, với tiềm năng về nhân công, tiềm năng về địa chính trị đang được chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ nhắm đến.

Indonesia “trải thảm đỏ”.

Điều này được Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan xác tín một cách quả quyết. Ông này cho rằng, đã có một cuộc trò chuyện “bí mật” giữa Tổng thống Jokowi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai bên trao đổi về các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm ở Indonesia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Bên cạnh đó, Trump muốn di dời ngành công nghiệp của mình ở Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Bước đầu sẽ di chuyển 27 nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Jokowi bàn về hợp tác giữa hai nước trong và sau đại dịch COVID-19.

Và tất nhiên, Tổng thống Jokowi ngay lập tức cam kết sẽ dành 4.000 ha đất tại Khu công nghiệp Brebes miền Trung Java, đất của khu kinh tế đặc biệt cho ngành công nghiệp dược phẩm, cho các công ty của Mỹ và sẽ xem xét khả năng cấp thêm đất ở một số nơi khác nữa. Ngoài ra, Indonesia còn cam kết sẽ miễn tiền thuê đất trong 5 năm, bên cạnh nhiều ưu đãi khác.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia, Agus Gumiwang thì cho biết, nước này đã chuẩn bị 27 khu công nghiệp mới sẽ được xây dựng từ năm 2020 - 2024. Trong số 27 khu vực, chỉ có 2 khu vực ở Java. Một khu vực ở Brebes và một khu vực ở Madura. Phần còn lại hoặc 25 khu vực khác được hướng vào các khu vực công nghiệp bên ngoài Java.

Với lợi thế năng suất nhân lực khổng lồ, cơ sở hạ tầng tốt và tiên tiến, cùng với đó là diện tích đất lớn, ưu đãi “kếch xù”, đang là một điểm cộng của Indonesia trong việc di dời các công ty của Mỹ từ Trung Quốc. Các ưu đãi được cho là có “trọng lượng” như việc miễn tiền thuê đất 5 năm và đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ đang khiến Indonesia “giành pole” trong việc mời chào các công ty đa quốc gia của Mỹ.

Ấn Độ “hào phóng”.

Chính phủ Ấn Độ sẽ cung cấp đất gấp đôi quy mô của Công quốc Luxembourg cho các công ty rời khỏi Trung Quốc. Rất khác biệt! Bởi trước đây, đất đai luôn là một trong những rào cản lớn nhất đối với các công ty muốn đầu tư vào Ấn Độ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Theo tiết lộ của chính phủ Ấn Độ, tổng diện tích 461.589 ha đã được xác định trên toàn quốc cho mục đích này, trong đó bao gồm 115.131 ha đất công nghiệp hiện có ở các bang như Gujarat, Maharashtra, Tamil Nadu và Andhra Pradesh, bên cạnh đó là quỹ đất từ các nơi khác gộp lại.

Trước đây, các nhà đầu tư muốn thiết lập một nhà máy ở Ấn Độ cần phải tự mình mua đất. Quá trình này, trong một số trường hợp sự trì hoãn dự án do liên quan đến việc đàm phán với các chủ sở hữu lô đất sẽ khiến các công ty nước ngoài e ngại.

Tuy nhiên, hiện tại, quỹ đất chưa được sử dụng có sẵn trong các khu kinh tế đặc biệt, nơi đã có cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, đang được chính phủ kiểm tra và sử dụng để mời chào. Một kế hoạch chi tiết để thu hút đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng này.

Thủ tướng Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 30/4 vừa qua để thảo luận về các bước để chiến lược nhanh chóng để thu hút các nhà đầu tư.

Với lợi thế về đường bờ biển trải dài và các khu công nghiệp có sẵn với giải phóng mặt bằng cần thiết, Ấn Độ đang tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như CNTT và sản xuất, chế biến thực phẩm và hóa chất liên quan và mới đây họ đã tổ chức các hội nghị video với các nhà đầu tư từ Mỹ và Nhật Bản, những công ty đang dự định rời bỏ Trung Quốc. 

Và cơ hội nào cho Việt nam?

Mới đây, Nhật Bản tuyên bố sẽ chi 2,2 tỷ đô la để đưa các tập đoàn ra khỏi Trung Quốc hoặc trở về nước hoặc trải rộng khắp Đông Nam Á.

Cụ thể, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp khoản vay trực tiếp 220 tỷ yên (2 tỷ USD) cho các công ty chuyển sản xuất trở lại Nhật Bản và 23,5 tỷ yên cho những người tìm cách chuyển sản xuất sang các nước khác.

Và Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến yêu thích của những công ty của Nhật Bản, một phần do mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản một phần do những thay đổi trong chính sách mở cửa gần đây của Việt Nam.

Và không chỉ các công ty của Nhật Bản, cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam khi mà các công ty của Mỹ đang rục rịch ra khỏi Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Với lợi thế địa lý, cơ sở hạ tầng và cảng biển đang ngày một hoàn thiện. Bên cạnh đó là năng suất lao động ngày một nâng cao, giá nhân công rẻ, những ưu đãi về thuế và đất đang được chính phủ Việt Nam ra sức ủng hộ. Rất có thể, cơ hội sẽ đến với Việt Nam.

Tuy nhiên, để hưởng lợi từ sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu này, Việt Nam cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách, tăng cường nội lực của mình, nâng cao nguồn lực quốc gia, xây dựng hệ thống hạ tầng tốt hơn, xây dựng nguồn nhân lực và quản trị quốc gia để tận dụng thời cơ có một không hai này.

Có thể bạn quan tâm

  • Huawei, “ngòi nổ” mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

    Huawei, “ngòi nổ” mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

    11:20, 18/05/2020

  • Mỹ - Trung cắt đứt quan hệ: Liệu có dễ dàng?

    Mỹ - Trung cắt đứt quan hệ: Liệu có dễ dàng?

    05:03, 17/05/2020

  • QUỐC TẾ TUẦN QUA: Quad Plus, WTO và trật tự thương mại mới?

    QUỐC TẾ TUẦN QUA: Quad Plus, WTO và trật tự thương mại mới?

    06:47, 17/05/2020

Nguyễn Chuẩn