Thương mại số thời COVID-19, thấy gì từ láng giềng?
Các sàn thương mại điện tử trên khắp châu Á đã và đang chứng kiến sự bùng nổ doanh số trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.
Các sàn thương mại điện tử trên khắp châu Á đã và đang chứng kiến sự bùng nổ doanh số trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 khi nhiều quốc gia buộc phải kéo dài thời gian cách ly xã hội.
Hệ thống các cửa hàng bán lẻ truyền thống buộc phải đóng cửa thị trường do chính sách giãn cách xã hội của các Chính phủ. Chính điều này được cho là yếu tố thúc đẩy cho sự phát triển của thương mại điện tử, giúp việc mua sắm trực tuyến có thể tiếp cận đến cả những khách hàng vốn chưa bao giờ mua sắm qua mạng Internet.
Nhà cung cấp giải pháp quảng cáo kỹ thuật số Criteo cho biết các nghiên cứu thị trường của họ đã chỉ ra rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, có tới hơn 50% người tiêu dùng bắt đầu có thói quen mua sắm trực tuyến, so với chỉ 17% người tiêu dùng có hành vi mua hàng kỹ thuật số trước đó.
Trong đại dịch COVID-19 lần này, Shopee đã gặt hái được doanh số đáng kinh ngạc, với tổng giá trị doanh thu của hãng đã tăng vọt tới 74,3%, chạm mốc 6,2 tỷ USD chỉ trong Quý 1 năm nay.
Tổng số đơn đặt hàng trên Shopee đạt 429,8 triệu đơn trong quý đầu tiên, so với 203,5 triệu cho cùng kỳ năm ngoái - ở ngưỡng tăng 111,2%.
Rất nhiều những công ty, tập đoàn lớn đã nhanh chóng đưa ra các chiến dịch để nắm bắt sự thay đổi trong hành vi mua sắm này. Capital Land của Singapore - một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á đã tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ giới thiệu một nền tảng thương mại điện tử mới có tên eCapitaMall.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, tại Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử đã bắt tay cùng tổ chức một lễ hội mua sắm trực tuyến, diễn ra tại Thượng Hải với cái tên là "Double Five". Sự kiện này đã thu về 2,2 tỷ USD chỉ trong 24 giờ đầu tiên!
Hàng tỷ nhân dân tệ dưới dạng phiếu giảm giá trực tuyến và giảm giá đã được phân phối tại chiến dịch Double Five dự kiến kéo dài trong hai tháng với sự tham gia của các nhà bán lẻ kỹ thuật số, cùng sự bắt tay hợp tác với các cửa hàng ngoại tuyến để bán những món đồ có giá trị lớn như xe oto hay nhà đất.
Trong khi đó,tại một hội thảo trực tuyến về tác động của đại dịch đối với các công ty công nghệ, Arne Jeroschewski - nhà đồng sáng lập Công ty cung cấp dịch vụ theo dõi hàng Parcel Performance đã chia sẻ rằng một số công ty kho vận đã phải tạm thời đóng cửa khi các công nhân mắc COVID-19. Điều này đã dẫn đến thời gian ngừng hoạt động của chuỗi cung ứng bị gia tăng đáng kể.
Trong bối cảnh không thuận lợi như vậy, nhiều doanh nghiệp lớn đã cùng hợp tác để vượt qua các rào cản do đại dịch. Công ty thương mại điện tử Indonesia Bukalapak đã hợp tác với Grab và Gojek - vốn đối thủ và cũng là nhà sản xuất "siêu ứng dụng" di động bao gồm các chức năng giao hàng, để có thể tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng.
Đại diện Gojek cho biết công ty này đã chứng kiến sự tăng trưởng 10% trong các giao dịch trên dịch vụ giao hàng GoFood của mình vào đầu tháng 5. Nhận định tình hình dịch bệnh chưa thể một sớm một chiều được khống chế, Gojek đã thêm các dịch vụ mua sắm thực phẩm và mặt hàng chủ lực từ các cửa hàng tiện lợi để cung cấp cho người tiêu dùng.
Một sàn thương mại điện tử khác là Decacorn cũng đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Indonesia để xây dựng “chợ Mitra Tani” giúp nhiều nông dân và người bán hàng ở địa phương có thể tiếp cận trực tiếp với nhu cầu mua hàng tại nhà của người dân
Trong khi đó, đối với Sendo - nền tảng thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hãng này tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng phạm vi mua sắm cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng, tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến, tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Bên cạnh đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Vừa qua, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, trong đó xác định rõ thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Thương mại điện tử cũng sẽ là công cụ hữu hiệu trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sau đại dịch COVID-19!
Có thể bạn quan tâm
Thương mại điện tử, nỗi lo còn đó!
11:00, 27/05/2020
Sáp nhập Tiki và Sendo: Phép trừ trong cuộc đua thương mại điện tử?
05:35, 23/05/2020
Facebook Shops: Sự lấn sân sang thương mại điện tử
13:24, 20/05/2020
Vì sao doanh nghiệp SME "e dè" kinh doanh trên sàn thương mại điện tử?
16:05, 13/05/2020
Trung Quốc: Mô hình đặc biệt cho thương mại điện tử
06:00, 04/05/2020
Startup thương mại điện tử lớn nhất Indonesia rò rỉ thông tin 91 triệu người dùng?
04:23, 04/05/2020