Toan tính của Mỹ với G7 mở rộng
Khi hục hặc với WTO, WHO..., Wasington cũng đồng thời “điều chỉnh” các tổ chức quan trọng còn lại để làm “bàn đạp” vực dậy kinh tế, tấn công Trung Quốc.
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có ý định mời thêm 4 thành viên Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga tham gia Nhóm G7 mở rộng.
Tận dụng sức mạnh Châu Á
Từ cải tổ G7, có thể thấy vấn đề cấp bách nhất hiện nay với Mỹ không chỉ là ngăn chặn đà suy thoái kinh tế, mà liên quan mật thiết đến sinh mạng chính trị của ông Trump và đảng Cộng hòa; cùng với đó là vấn đề lợi ích bên ngoài nước Mỹ.
G7 là thiết chế chỉ “bàn về kinh tế”, hội nghị cấp cao nhất là Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các thành viên. Trước đây, G8 có thêm Nga, điển hình của thiết chế này là hội nghị thượng đỉnh “Kinh tế và Chính trị” với sự có mặt của các nguyên thủ quốc gia.
Đáng nói, Nga bị Mỹ và Châu Âu gây sức ép loại khỏi G8 vào năm 2014 vì vấn đề Crimea. Nay ông Trump ngỏ ý mời Nga vào G7 mở rộng, điều này cho thấy cách tiếp cận của Mỹ với Nga đã đổi chiều.
Thật sự, bản thân các thành viên G7 đã không còn mạnh mẽ như trước đây. Các thành viên ở trung tâm Châu Âu như Anh, Pháp, Đức... vừa trải qua “bạo bệnh” do COVID-19. Nội tại những nền kinh tế này dần dần mất sức sống - mức tăng trưởng kém. Kinh tế Đức 9 năm liên tục không tăng trưởng vượt quá 2,2%; mức tăng trưởng đỉnh nhất của Pháp là 1,9%, cách đây đã 3 năm.
Những con số thống kê ảm đạm của G7 rất đối lập với các nền kinh tế năng động, linh hoạt đầy sức sống của Trung Quốc, Ấn Độ hay Hàn Quốc, Úc. Vì vậy, ý tưởng thành lập G11 chính là “tận dụng sức mạnh Châu Á”.
Bài toán lợi ích
Đúng như cố Thủ tướng Anh, Winston Churchill nói: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Như vậy, điều kiện cần để G11 ra đời là phải đáp ứng lợi ích của các thành viên mới.
Hay nói cách khác, những thành viên mới sẽ được gì, mất gì nếu tham gia cùng G7, đó là bài toán kinh tế, chính trị vô cùng nhạy cảm. Bởi, dù mạnh mẽ, nhưng nhiều cường quốc Châu Á vẫn không muốn “mếch lòng” Trung Quốc.
Ấn Độ đang tỏ ra là một cường quốc “độc lập”. Nhà nghiên cứu Dhruva Jaishankar, thuộc Viện Brookings New Dehli quả quyết: “Ấn Độ không phải đồng minh của Mỹ và cũng sẽ không trở thành đồng minh”...!
Dịch bệnh COVID-19 đã hé lộ mảng tối trong nền kinh tế Úc - đó là sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo mạng lưới tình báo Five Eyes, có tới 595 loại hàng hóa chiến lược mà Canbera cần ở Bắc Kinh.
Ngoài ra còn 167 loại hàng hóa phục vụ các ứng dụng quan trọng và 35 loại hàng hóa thiết yếu đối với các công nghệ trong kỷ nguyên số, bao gồm Internet vạn vật, quản lý kỹ thuật số siêu tốc và nhiều loại công nghệ khác, trong đó có công nghệ sinh học.
Trong khi đó, Hàn Quốc là nền kinh tế “siêu hướng ngoại”, phụ thuộc rất lớn vào thị trường ngoài nước. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy tỷ lệ tổng thu nhập quốc dân trên tổng xuất khẩu và nhập khẩu đạt 86,8% trong năm 2018. Vì vậy, bất cứ chính sách đối ngoại nào sai lầm sẽ trả giá rất đắt.
Không tự nhiên mà ông Wang Wen (Đại học Nhân dân Trung Quốc) cảnh báo: “Các quốc gia sẽ không muốn bị buộc phải chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc. Quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Có thể bạn quan tâm