Nếu không nhanh chóng cải tổ thì những tổ chức đa phương như WTO, WHO..., phải chấp nhận dừng cuộc chơi!
Trước hết, hãy trả lời câu hỏi: Vì sao Mỹ, Trung Quốc và châu Âu có thể đơn phương làm mọi chuyện? Là bởi vì, quyền hành của họ quá lớn, lấn át phần còn lại. Như vậy, bản thân các tổ chức quốc tế đã không có tính “công bằng”.
Phần lớn các nước nhỏ tham gia vào đó để khỏi bị “lạc lỏng”, phần nào đó là nỗ lực bang giao, hội nhập, tránh tụt hậu. Chứ ít khi nghĩ đến việc sẽ góp phần “thay đổi trật tự”.
Kể từ khi tỷ phú Trump bước chân vào Nhà trắng đang mang theo kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” - đó là một biểu hiện sinh động của “chủ nghĩa đơn phương”, không còn niềm tin vào các tổ chức đa phương.
WTO (Tổ chức thương mại thế giới) quá lớn, quá cồng kềnh để tìm kiếm một quan điểm thống nhất trong mọi vấn đề. Bằng chứng là kể từ khi thành lập (1995) đến nay, Tổ chức này không hề có một vòng đàm phán mới và toàn diện nào.
WTO đã lạc hậu nghiêm trọng với dòng chảy kinh tế, thương mại toàn cầu. Các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới.
Trong khi đó, nền kinh tế số đã phát triển rất rực rỡ, sự thâm nhập rất sâu của các đế chế như Alibaba, Amazon; tình trạng đánh cắp dữ liệu, công nghệ tràn lan. Và, thực tế, chỉ có Washington mạnh mẽ lên tiếng!
Tại WTO, việc xác định là quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển có ý nghĩa cạnh tranh rất lớn trên toàn cầu. Thế kỷ 21, chỉ có Trung Quốc mới đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ và ngược lại. Vậy nhưng, WTO vẫn xem Trung Quốc là quốc gia đang phát triển - nhận được nhiều ưu ái hơn.
Thêm một trở lực không nhỏ tại WTO là giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Châu Âu mong muốn có một tòa án thương mại cố định, còn Mỹ lại muốn thành lập tòa cho những vụ việc cụ thể.
Sáng kiến thành lập WTO cũng bắt nguồn từ người Mỹ (hội nghị Bretton Wood). Thời điểm cuối thế kỷ 20, cơ bản không có thế lực nào đủ sức chống lại Washington, nên WTO hoạt động yên bình. Từ năm 2000 trở đi, Trung Quốc trỗi dậy nên Mỹ cảm thấy bị “thiệt thòi”.
Cũng như vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không còn được ông Trump coi trọng, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Trump nói: “Trung Quốc toàn quyền kiểm soát WHO và cơ quan không thực hiện các cải cách rất cần thiết được yêu cầu”.
Từ hai ví dụ này cho thấy, các tổ chức quốc tế đa phương chẳng qua chỉ là “sân nhà” của các nước lớn - họ sẵn sàng chối bỏ nếu như cảm thấy “tâm lý kẻ cả” bị sứt mẻ.
Chẳng có gì bất ngờ nếu như các tổ chức quốc tế bị xóa sổ và thế giới quay về với tình trạng “mạnh được yếu thua”. Nhưng đó không phải là sự thụt lùi, mà là bước chuyển tạm thời để hình thành những thiết chế mới phù hợp hơn với tiến trình phát triển.
Liệu trật tự thương mại thế giới có được duy trì nếu như WTO chẳng may bị giải thể? Câu trả lời là: Vẫn hoạt động bình thường! Vì sao?
Vì so với thời điểm trước năm 1995, hiện nay đã có hàng trăm Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương được ký kết; có hàng chục khối liên minh kinh tế, tài chính, thương mại ra đời.
Bản thân những hiệp định này đã là những “bộ Luật thương mại - đầu tư” xuyên quốc gia, có đầy đủ các điều, khoản, nguyên tắc thực thi, không những quy phạm về kinh tế, thương mại mà còn cả chính trị, văn hóa, xã hội, nhân đạo...
Ví dụ, với EVFTA, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU hoàn toàn có thể xuôi chèo mát mái mà không cần đến sự “giám sát, can thiệp” của WTO.
Với những nền kinh tế khiêm tốn, tiềm lực hạn chế, việc tham gia các liên minh khu vực hẹp luôn thực tế hơn rất nhiều.
“Chiến tranh lạnh” phiên bản thứ 2 đã bắt đầu, thế đa cực được khởi tạo ở nhiều nơi trên thế giới. Các tổ chức đa phương càng cho thấy tính bị động trong việc duy trì trật tự.
Việc các tổ chức này sinh ra mà mất đi, và hình thành cái mới hoàn toàn hợp quy luật. Nhất là khi thế giới đang rục rịch cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, bố trí lại mật độ sản xuất.
Thậm chí, trong tương lai gần, nếu như châu Á trở thành trung tâm thế giới thì WHO, WTO, LHQ..., hoàn toàn có thể dời về nơi quan trọng hơn!
Có thể bạn quan tâm
16:20, 30/05/2020
17:05, 20/05/2020
09:14, 20/05/2020
21:35, 19/05/2020
06:00, 22/05/2020
16:27, 15/05/2020