Tại sao Trung Quốc không "trả đũa" Mỹ sau vụ Huawei?
Mới đây, Trung Quốc lên kế hoạch lập một “danh sách đen” các công ty Mỹ sau khi Washington đưa ra những hạn chế với Huawei và 33 công ty Trung Quốc khác trong tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, có vẻ các nhà lập pháp Bắc Kinh đang lo ngại động thái này sẽ gây tác dụng ngược và làm hỏng nền kinh tế của họ. Theo một nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc, danh sách hạn chế này gần như đã được phát hành. Mặc dù vậy, tại thời điểm cuối cùng, mọi thứ được quyết định giữ lại và chờ đợi.
Có thể nói, sự thận trọng của Bắc Kinh được được cho là vì mục đích tăng trưởng kinh tế và mong muốn ổn định đầu tư nước ngoài tại thời điểm ngày càng nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 gây ra và thêm vào đó là sự gia tăng áp lực từ Nhà Trắng.
Tất cả vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế?
Sự “rụt rè” trong quyết định trả đũa chính quyền Trump được thể hiện trong cuộc họp báo thường niên của Thủ tướng Li Keqiang tại Đại hội Nhân dân toàn quốc nước này vào cuối tháng 5 vừa qua. Dường như tất cả đều thấy việc ông này luôn né tránh trong các cuộc đối đầu khẩu chiến với Hoa Kỳ và thay vào đó là mục tiêu “hợp tác kinh tế”.
Thời gian trước, hầu như cả giới truyền thông đều nhận định, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện cuộc trả đũa Washington bằng cách thiết lập một “danh sách các thực thể không tin cậy” - các công ty của Mỹ được coi là đã làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc đe dọa an ninh quốc gia.
FedEx được cho là một trong những công ty đầu tiên của Mỹ có thể sẽ là mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, kể từ khi liệt kê và “đe dọa”, chính quyền Trung Quốc đã “hoàn toàn im lặng” trong vấn đề danh sách thực thể, mặc dù mối lo ngại ngày càng tăng giữa các doanh nghiệp nước ngoài về cách thức thực hiện.
Khi thông tin chi tiết về các hạn chế công nghệ mới nhất của Hoa Kỳ được đưa ra, bao gồm giới hạn quyền truy cập của Huawei vào ngành công nghệ bán dẫn của Mỹ được công bố, rất nhiều tờ thời báo của nước này cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị điều tra hoặc đặt ra các hạn chế đối với các công ty công nghệ Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple, và bên cạnh đó là đình chỉ việc mua máy bay Boeing.
Trước đó, có rất nhiều nguồn tin nói rằng, chính quyền Bắc Kinh đã hoàn thiện các chi tiết của danh sách từ rất lâu, tận cuối năm ngoái nhưng những quan ngại về phản ứng của các doanh nghiệp nước ngoài và thêm vào đó là sự lo sợ đánh mất hình ảnh một nơi hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia đã khiến Trung Quốc gần như tạm dừng việc trả đũa Hoa Kỳ.
Cũng đồng tình như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính quyền Bắc Kinh hiện đang hy vọng thực hiện chiến lược “ổn định ngoại thương và ưu tiên đầu tư kinh tế” của mình trong năm nay khi nước này đang mong muốn tìm cách phục hồi sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.
Phải chăng “lực bất tòng tâm”?
Theo Dan Wang, một nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể sẽ không được đưa ra trong thời điểm này và cũng có thể Trung Quốc “muốn nhưng không đủ khả năng” để nhắm vào các công ty Mỹ.
Wang cho rằng, Trung Quốc đã “nếm mật nằm gai”, sẵn sàng mất hàng thập kỷ nỗ lực để trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các nhà sản xuất nước ngoài. Giờ đây không thể vì “một chút tự ái cá nhân” mà có thể “đạp đổ” cả một quá trình xây dựng và thiết lập. Bắc Kinh có thể sẽ không cần phải trả đũa mà ngược lại, họ sẽ xoa dịu, thỏa mãn sự đòi hỏi của dư luận và kèm theo đó là kiên trì tìm kiếm sự ổn định nền kinh tế và giữ lại đầu tư nước ngoài.
Và thực tế cho thấy, tất cả các dấu hiệu cho thấy sự ổn định kinh tế của Trung Quốc đang thành công vượt xa sự trả đũa. Hiện tại Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm sang việc cố gắng ngăn chặn thiệt hại vĩnh viễn cho hệ sinh thái công nghiệp của nước này từ việc vuột mất các mối đầu tư từ nước ngoài.
Một số nguồn tin cho biết, thời điểm này, chính quyền Trung Quốc cần cải thiện mối quan hệ với phần còn lại của thế giới bằng cách sửa chữa danh tiếng của mình sau đại dịch COVID-19 và thực hiện các bước cụ thể để giải quyết những bất bình lâu dài của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, rất có thể tốc độ mở cửa thị trường chậm ở nước này đang làm xói mòn sự kiên nhẫn của các công ty nước ngoài.
Một số nhà quan sát cho rằng, nếu các lãnh đạo của nước này thất bại trong việc phục hồi kinh tế kiên trong vòng hai năm tới, họ có thể phải đối mặt với áp lực chính trị lớn.
Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, cho rằng, các hành động trả đũa có thể có thể bao gồm điều tra, kiểm toán, hạn chế bán hàng và hoạt động tại địa phương, thu hồi giấy phép, kiện cáo và gia tăng sự xâm nhập của chính quyền. Và điều đó sẽ khiến các công ty đa quốc gia phải đối mặt với một “môi trường thù địch”, hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm