Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)

AN CHI 08/07/2020 07:00

Sự khác biệt trong tốc độ phát triển kinh tế giữa một miền Bắc kém phát triển và một miền Nam thịnh vượng đang làm phức tạp thêm chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ tại Trung Quốc.

Một lý do khác được cho là nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt về nền kinh tế, đó là đặc trưng kinh tế của từng khu vực. Tại miền Bắc, các công ty nhà nước chiếm 33% sản lượng công nghiệp trong năm 2011, so với 21% tại miền nam. 

Các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất được coi là xương sống của nền kinh tế khu vực phía Bắc, trong khi tăng trưởng của miền Nam chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân.

Một cảng biển tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Một cảng biển tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Từ năm 2007 đến 2012, các công ty nhà nước chính là khu vực được hưởng lợi chính từ gói kích thích 4 nghìn tỷ nhân dân tệ của chính phủ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Về cơ bản, đây được xem là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế ở miền Bắc. 

Tuy nhiên sau năm 2013, khi các công ty nhà nước bắt đầu phải đối mặt với thực tế cán cân cung – cầu đang ngày càng trở nên mất cân đối, khiến các công ty này rơi vào khả năng phá sản hoặc các khoản nợ xấu nhiều. Để giải quyết khoảng cách cung - cầu ngày càng tăng, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than và thép phải cắt giảm năng lực sản xuất.

Trong khi đó, nền kinh tế miền Bắc cũng bị ảnh hưởng lớn từ giá dầu. Phía Bắc Trung Quốc sở hữu khoảng 90% sản lượng dầu thô của quốc gia này. Theo Giáo sư Chen, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016, giá dầu thô tại Trung Quốc đã giảm 51%.

Đây chính là yếu tố khiến nền kinh tế của miền Bắc bị tụt xuống 0,4 điểm. Mặt khác, tại miền Nam – khu vực nhập khẩu 90% lượng dầu tiêu thụ tại Trung Quốc, đã có thể tiết kiệm 270 tỷ USD để mua dầu. Chính sự sụt giảm giá dầu gây ra bởi đại dịch COVID-19 có thể sẽ kìm giữ miền bắc trong tình trạng kinh tế khó khăn.

Một yếu tố quan trọng khác đằng sau khoảng cách Bắc-Nam là sự khác biệt trong suy nghĩ và văn hóa kinh doanh của chính quyền địa phương. Ông Hui Xinan – Bí thư Đảng uỷ tỉnh Sơn Đông ở phía Bắc, vào năm 2019 đã gây xôn xao dư luận khi ông công khai chỉ trích văn hóa kinh doanh của khu vực miền bắc sau khi đi thăm năm thành phố ở phía nam.

Người dân ở miền bắc Trung Quốc không thực sự tập trung vào công việcThay vì tập trung vào hiệu quả lao động thì họ lại chỉ thích những việc khác." Nhận xét thẳng thắn này của ông Hui đã thu hút sự chú ý, dẫn đến làn sóng chỉ trích văn hóa kinh doanh của miền Bắc. 

"Không có gì được thực hiện mà không có một bữa tiệc ở Sơn Đông. Ở phía nam, một tách cà phê là tất cả những gì bạn cần", một chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Một nhà điều hành của một công ty thương mại dệt may ở Thiệu Hưng, thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang cho biết: "Tại Sơn Đông, hiện tượng nhiều quan chức chính quyền địa phương tham nhũng là bình thường. Trong khi đó,tại Chiết Giang ở phía Nam, các quan chức địa phương rất muốn giúp đỡ và hợp tác với khu vực tư nhân. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa hai khu vực.”

Ông Tập Cận Bình đến thăm cảng Chu Sơn - thành phố Ninh Ba - tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ông Tập Cận Bình đến thăm cảng Chu Sơn - thành phố Ninh Ba - tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Một quan chức từ chính quyền Trung ương - người đã đi thăm Liêu Ninh ở phía Bắc và Chiết Giang ở phía Nam - đã rất ngạc nhiên khi thấy sự khác biệt trong cách làm việc của các quan chức chính quyền hai miền. 

Các quan chức thành phố ở Liêu Ninh thường triệu tập các giám đốc điều hành công ty địa phương và đưa ra nhiều yêu sách. Tuy nhiên, tại Chiết Giang, các quan chức luôn thể hiện sự tôn trọng đối với các giám đốc điều hành của công ty và cảm ơn họ rất nhiều vì sự hợp tác của họ trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nhìn từ sự phân hoá trong nội bộ nền kinh tế Trung Quốc, Liên minh châu Âu với những thách thức chính sách kinh tế vĩ mô do khoảng cách kinh tế - cũng tương tự Trung Quốc. Cụ thể, các nước phía Bắc châu lục có nền kinh tế khỏe mạnh hơn, trong khi các nước phía nam như Hy Lạp hay Italy lại đang rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn.

Chắc có lẽ Trung Quốc cũng nhận ra chính mình với một vấn đề tương tự. Nếu Bắc Kinh áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp với hiệu quả kinh tế của miền Nam, thì chính chính sách này có thể làm cho nền kinh tế miền Bắc suy yếu hơn nữa.

Khoảng cách của nền kinh tế giữa hai miền Bắc - Nam Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ngày càng mở rộng, tạo ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong tương lai. 

Có thể bạn quan tâm

  • Căng thẳng ở Biển Đông: Trung Quốc trách người mà không biết tự trách mình!

    Căng thẳng ở Biển Đông: Trung Quốc trách người mà không biết tự trách mình!

    06:25, 07/07/2020

  • Trung Quốc sẽ mua cả… thế giới?

    Trung Quốc sẽ mua cả… thế giới?

    05:03, 03/07/2020

  • Trung Quốc đang giấu thế giới điều gì? (Bài 2)

    Trung Quốc đang giấu thế giới điều gì? (Bài 2)

    07:04, 02/07/2020

  • Trung Quốc đang giấu thế giới điều gì? (Bài 1)

    Trung Quốc đang giấu thế giới điều gì? (Bài 1)

    05:40, 01/07/2020

AN CHI