Nước Mỹ thiệt hại ra sao nếu áp dụng luật nhập cư mới?
Hàng chục ngàn sinh viên nước ngoài ở Mỹ cảm thấy thực sự bị “sốc” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “trục xuất” những người giữ visa F-1 và M-1 trở về nước.
Theo đó, tất cả những người có visa F-1 và M-1 (visa du học) không di dân sẽ bị gửi trở lại hoặc bị cấm đi học ở Mỹ nếu họ chỉ tham gia các lớp học trực tuyến. Quyết định này có khả năng ảnh hưởng đến gần một triệu sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ, đặc biệt với các trường đại học có quyết định chuyển tất cả việc giảng dạy thành trực tuyến.
Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đệ đơn kiện tại tòa án liên bang ở Boston để thách thức quy định mới này của Cơ quan Di trú và Thi hành Tùy chỉnh Hoa Kỳ (ICE). Ngoài ra, hơn hai chục trường đại học trên khắp nước Mỹ đã hợp tác với nhau để hỗ trợ các vụ kiện của Harvard và MIT.
Chủ tịch Harvard, Lawrence Bacow viết trong một tuyên bố gửi tới cộng đồng Harvard: "Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này một cách mạnh mẽ để sinh viên quốc tế của chúng tôi và sinh viên quốc tế tại các tổ chức trường học trên cả nước Mỹ có thể tiếp tục học tập mà không bị đe dọa trục xuất".
GS. Jenny Lee tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học tại Đại học Arizona cho biết bà đã “không thể tin được” khi nghe tin này. Mặc dù Jenny Lee chia sẻ rằng bà không ngạc nhiên về các chính sách chống nhập cư trong quá khứ của chính quyền Trump, nhưng theo bà, những sinh viên quốc tế không nên được coi là những "con tốt của chính trị".
Các trường đại học cũng đang cố gắng tìm mọi cách để giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng đối với các sinh viên quốc tế. Bên cạnh đó, một số các tổ chức sinh viên quốc tế đã bắt đầu làm những bản kiến nghị trực tuyến sau thông báo của ICE nhằm tìm kiếm lợi ích cho sinh viên quốc tế. Các bản kiến nghị đó đã nhận được 8.860 chữ ký cho đến trưa thứ Năm vừa qua.
Một số giảng viên cũng đã phản đối quy định mới này. Họ cho rằng, đây là “biện pháp tồi” và “mạnh tay” của chính quyền Trump đối với các trường đại học trong việc mở rộng cơ sở của họ.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, động thái cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chỉ đạo cho ICE thắt chặt và hạn chế nhập cư tại Mỹ sẽ gây sức ép cho các trường đại học mở cửa trở lại để truyền đi một thông điệp “nước Mỹ an toàn”, và điều này được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích” của Donald Trump cho cuộc bầu cử sắp tới.
Trên thực tế, thời điểm này, nước Mỹ đang có hàng triệu người rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này ngày càng tăng lên khi các công ty gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo Donald Trump, biện pháp tạm dừng nhập cư Mỹ trước đó và trục xuất du học sinh sau này là để “bảo vệ” lực lượng lao động Mỹ. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, có thể đây là những hành động “chưa hợp lý” của chính quyền Trump.
Theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE), sinh viên quốc tế đã đóng góp gần 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2018 và con số này càng tăng lên mỗi năm. Và hầu hết trong số họ trả tiền túi, bằng cách sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình hoặc vay tiền ở nước họ. Rất ít người may mắn nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ, đặc biệt là trong thời gian học đại học. Nhiều chuyên gia cho rằng, lệnh trục xuất du học sinh của chính quyền Trump sẽ gây thiệt không nhỏ cho kinh tế Mỹ vốn đang suy thoái mạnh mẽ.
Tuy nhiên, có vẻ như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn bị cho việc này từ lâu và khá kỹ càng. Kể từ khi mới đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, Donald Trump đã tuyên bố sẽ hạn chế người nhập cư, bước đầu tiên là ông cho xây dựng 1 bức tường khổng lồ ở biên giới Mỹ với Mexico. Tiếp đó, trong 3 năm vừa qua, ông và các cố vấn đã cố gắng siết chặt cả những người nhập cư bất hợp pháp và hợp pháp vào Mỹ.
Tờ New York Times dẫn ý kiến của một số nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người nhập cư đã lên tiếng cáo buộc, Trump cùng các cố vấn của mình đã lợi dụng đại dịch toàn cầu để triển khai những chính sách nhập cư cứng rắn của họ. Bên cạnh đó, Donald Trump cũng nhận được sự chỉ trích từ phe Dân chủ. "Ông Trump dừng hoạt động nhập cư và nói rằng quốc gia của chúng ta đã suy yếu kinh tế, một động thái thật bất hợp lý", cựu ứng viên Tổng thống Julian Castro bình luận trên Twitter.
Có thể bạn quan tâm
25 năm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Định hình tương lai qua các con số
16:00, 11/07/2020
Mỹ-Trung còn lại gì sau hai năm thương chiến?
06:30, 10/07/2020
25 năm quan hệ Việt - Mỹ Kỳ I: “Cẩm nang” ngoại giao giá trị
11:00, 09/07/2020
Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến số cam go trên nền tảng mạng xã hội
06:20, 07/07/2020