Việt Nam tiếp tục được nhận nguồn vaccine viện trợ của Mỹ
Mới đây, Mỹ đã tiếp tục công bố kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều trong 80 triệu liều vaccine Covid-19 dư thừa cho thế giới theo hình thức vừa trực tiếp vừa qua COVAX.
Cụ thể, theo thông tin từ Nhà Trắng, trong 55 triệu liều vaccine Covid-19 tiếp theo được chia sẻ cho thế giới, 41 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước thông qua cơ chế phân phối COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Washington cũng xác định các nước sẽ nhận được vaccine Covid-19 của nước này thông qua COVAX, trong đó 14 triệu liều được chuyển đến các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 16 triệu liều cho châu Á và khoảng 10 triệu liều đến châu Phi.
Tại châu Á, những quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ chia sẻ vaccine Covid-19 gồm Việt Nam, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và các đảo Thái Bình Dương.
Đối với 14 triệu liều vaccine Covid-19 còn lại, Mỹ sẽ trực tiếp gửi tới những quốc gia và khu vực có nhu cầu, trong đó cũng có Việt Nam, Philippines và các nước như Ai Cập, Jordan, Iraq.
“Mục tiêu của Mỹ là tăng tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trên toàn cầu, chuẩn bị cho các đợt bùng phát dịch mới, ưu tiên nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời giúp đỡ các quốc gia có nhu cầu”, thông báo của Nhà Trắng cho biết. “Như chúng tôi đã tuyên bố trước đây, Mỹ sẽ không sử dụng vaccine để tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của quốc gia khác”.
Có thể thấy, sau khi Mỹ dần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường, chính quyền của Tổng thống Biden đã có nhiều động thái tích cực trong việc phân phối vaccine sang các khu vực khác trên thế giới. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế G7 tại Anh, Mỹ và các nước G7 cũng đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ liều vaccine nhằm hỗ trợ tiếp cận công bằng và giúp chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch.
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh các nước chạy đua với thời gian để tiêm vaccine cho người dân trong nước, việc Mỹ tham gia cuộc chạy đua vaccine cũng được cho là nhằm đối phó với những nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng thông qua vaccine của Trung Quốc và Nga.
Washinton muốn thể hiện vai trò dẫn đầu của mình khi tuyên bố các liều vaccine do mình chia sẻ sẽ không gắn với ân huệ, nhượng bộ hay bị ràng buộc bởi sợi dây chính trị. Các cam kết và tuyên bố của chính quyền Biden trong vấn đề chia sẻ vaccine với thế giới đã được dư luận hoan nghênh và nhận được sự hưởng ứng của một số quốc gia châu Âu. Chính điều này đã thể hiện được vai trò quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19.
Đồng thời, với chất lượng vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đạt hiệu quả ngừa nCoV cao hơn 90% và đủ sức khống chế những biến chủng mới đang lưu hành, Mỹ và các nước phương Tây đang có ưu thế trước Trung Quốc và Nga.
Thuộc nhóm quốc gia có cơ hội tiếp nhận thêm nguồn vaccine của Mỹ, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán, trao đổi với các quan chức chính quyền Biden cũng như vận động để nhanh chóng có thêm vaccine nhằm triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng, nhất là tại các tỉnh thành phố đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.
Ngoài hai nguồn chính thức mua của hãng Astra Zeneca và nguồn tài trợ vaccine Sputnik V của Nga, sắp tới là vaccine của hãng Pfizer, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (3 loại vaccine Astra Zeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và Châu Âu; Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán, tranh thủ mọi khả năng để có vaccine sớm nhất, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều là rất khả thi.
Có thể bạn quan tâm
Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam vaccine COVID-19
18:57, 21/06/2021
Các loại vaccine đang có hiệu quả thế nào với biến chủng Delta?
05:00, 21/06/2021
Vaccine Sinopharm về Việt Nam sử dụng như thế nào?
05:20, 20/06/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất
20:44, 19/06/2021