Biến thể Delta chiếm hầu hết số ca nhiễm tại nhiều quốc gia đang đặt áp lực tiêm chủng vaccine diện rộng trên toàn thế giới.
Một nghiên cứu của Anh được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào đầu tháng này đã xem xét mức độ kháng thể trung hòa được tạo ra ở những người được tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech và nhiễm các biến chủng Delta, Alpha và biến chủng Beta. Kết quả cho thấy, mức độ kháng thể ở những người nhiễm chủng Delta thấp hơn sáu lần so với những người nhiễm các chủng khác.
Một nghiên cứu của Pháp từ Viện Pasteur đã kết luận rằng các kháng thể trung hòa được tạo ra bằng cách tiêm vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả chống lại biến thể Delta thấp hơn từ ba đến sáu lần so với biến thể Alpha.
Tương tự, theo số liệu do Public Health Scotland thu thập và được công bố trên Lancet, ít nhất hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, khả năng bảo vệ cơ thể trước biến chủng Delta của vaccine Pfizer / BioNTech đã giảm từ 92% xuống còn 79%, trong khi vaccine Oxford/AstraZeneca giảm từ 73% xuống 60%.
Mặc dù vậy, trên thực tế các loại vaccine hiện nay đều có hiệu quả cao đối với các kết quả nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như làm giảm tỷ lệ tử vong hay bệnh chuyển biến nặng, nhưng hầu như có ít tác dụng trong việc ngăn chặn các triệu chứng nhỏ khác như việc nhiễm không có triệu chứng.
“Điều quan trọng nhất là phải tiêm đủ liều mới giúp vaccine có được hiệu quả bảo vệ trước các biến chủng mới như Delta. Việc tiêm một mũi rồi dừng chỉ có hiệu quả một phần trước biến thể Delta và tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn rất cao. Chính vì vậy, các quốc gia cần nhanh chóng đẩy mạnh tiêm chủng diện rộng để tránh áp lực cho hệ thống y tế công cộng do các ca bệnh nặng”, Bác sĩ Antoine Flahault, Viện trưởng Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đánh giá.
Hiện nay các nhà khoa học chỉ ra, biến thể Delta đang có khả năng thoát khỏi hệ thống miễn dịch của con người; đồng thời biến thể này tạo ra những đột biến khiến cho hệ thống miễn dịch không còn nhận ra đó là virus SARS-CoV-2.
Giáo sư người Anh Tim Spector cho biết, dữ liệu được thu thập trên ứng dụng kể từ đầu tháng 5 cho thấy, bên cạnh các dấu hiệu phổ biến để nhận biết người bệnh nhiễm Covid-19 do chủng gốc gây ra như sốt, đau đầu, đau họng và sổ mũi hiện được cho là các triệu chứng của người nhiễm biến chủng Delta, thay vì ho và mất khứu giác hoặc vị giác.
Ước tính của các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, biến chủng này có khả năng lây truyền cao gấp khoảng 2 lần so với virus chủng gốc. "Chúng tôi nghĩ rằng điều này đang dẫn đến rất nhiều vấn đề. Đây là một loại virus có tính bám dính cao và điều này giải thích tại sao biến thể Delta có thể lại gây ra nhiều đợt bùng dịch lớn trong một thời gian ngắn như vậy", chuyên gia Spector nhận định.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy những thay đổi nhỏ trong protein đột biến của các biến chủng có thể tăng cường khả năng liên kết với thụ thể ACE2 mà nó sử dụng để xâm nhập vào tế bào người. Một nghiên cứu khác đã gợi ý rằng một đột biến riêng biệt trong biến thể Delta có thể tăng cường khả năng dung hợp với các tế bào của con người khi bám vào. Nếu virus có thể bám vào và dung hợp dễ dàng hơn, biến thể Delta có thể lây nhiễm sang nhiều tế bào của con người hơn, giúp virus dễ dàng áp đảo hệ thống miễn dịch.
Thậm chí, biến thể Delta làm tăng nguy cơ nhập viện gần gấp đôi so với biến thể Alpha. Biến thể này có thể gây lây nhiễm sau tiêm vaccine, tức là người đã tiêm vaccine đầy đủ nhưng bị chẩn đoán mắc Covid-19 sau đó ít nhất hai tuần.
Thực tế cho thấy, Delta đang là biến thể siêu lây nhiễm, phiên bản virus đáng sợ nhất mà thế giới từng thấy. Chính vì vậy, để nhanh chóng ngăn chặn các biến thể phát sinh đột biến trở thành các chủng mới nguy hiểm hơn, việc tiêm chủng diện rộng kết hợp cùng các biện pháp giãn cách xã hội là rất cần thiết.
Có thể bạn quan tâm