Cảnh báo biến chủng Delta tiếp tục đột biến

CẨM ANH 18/06/2021 05:00

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, trong quá trình lây nhiễm tại nhiều quốc gia, biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ đã tiếp tục đột biến.

Biến chủng Delta. Ảnh: Reuters

Biến chủng Delta. Ảnh: Reuters

Theo thống kê, biến chủng Delta từ Ấn Độ ngày càng lan rộng và hiện chiếm tới 10% tổng ca nhiễm mới ở Mỹ, tăng thêm 4% so với tuần trước. Các quan chức WHO cũng cho biết thêm, một số báo cáo đã chỉ ra biến chủng Ấn Độ có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, song vẫn cần nghiêm cứu thêm để có đầy đủ dữ liệu.

Bên cạnh đó, WHO cũng đang theo dõi những thông tin gần đây về một biến chủng mới được gọi là "Delta cộng" hay AY.1. Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật Covid-19 của WHO, cho biết "Tôi cho rằng điều này có nghĩa là thêm một đột biến nữa của biến chủng đã được xác định. Ở một số biến chủng Delta, chúng tôi phát hiện thiếu một đột biến thay vì phát triển thêm, nên chúng tôi đang xem xét toàn diện".

Mặc dù cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy biến chủng mới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghiêm trọng của bệnh do biến thể mới gây ra, nhưng Delta cộng có khả năng kháng lại phương pháp điều trị bằng “cocktail kháng thể”.

Theo cơ quan y tế công cộng thuộc chính phủ Anh, 63 bộ gen của Delta mang đột biến K417N đã được công bố trên Nền tảng chia sẻ dữ liệu về cúm toàn cầu (GISAID). Đột biến này giúp virus xâm nhập và lây nhiễm dễ hơn và nhanh hơn.

Chuyên gia Vinod Scaria, bác sĩ lâm sàng và nhà khoa học tại CSIR-Viện Genomics và Sinh học Tích hợp (IGIB) của Delhi nhận định, lịch sử hành trình lây nhiễm của biến thể không có sẵn để đưa ra các giả định. Nhưng một điểm quan trọng cần xem xét liên quan đến K417N là bằng chứng cho thấy khả năng kháng các kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab, liệu pháp đang được sử dụng để ngăn chặn bệnh Covid-19 tiến triển nặng.

Tương tự như các kháng thể được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên để chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus, các kháng thể đơn dòng được bào chế trong phòng thí nghiệm để giữ vai trò làm tê liệt virus, ngăn virus lây nhiễm sang các tế bào khác. Và Casirivimab và Imdevimab là các kháng thể đơn dòng đặc biệt chống lại các gen đột biến của virus SARS-CoV-2 cũng như ngăn chặn sự gắn kết và xâm nhập của chủng virus này vào tế bào người.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, đột biến K417N có thể có khả năng thoát khỏi phản ứng miễn dịch chống lại virus do các kháng thể này tạo ra. “Mặc dù vậy, việc kháng lại cocktail kháng thế không phải là dấu hiệu cho thấy độc lực của virus hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh đã tăng lên”, chuyên gia Scaria cho biết.

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các biến chủng tiếp tục đột biến trong tương lai

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các biến chủng tiếp tục đột biến trong tương lai

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu y học và mạch máu học Anurag Agrawal đánh giá, cho đến thời điểm hiện tại, chưa cần lo ngại về biến chủng mới Delta cộng. Nhà khoa học này cũng cho biết thêm, thời gian tới, các nhà nghiên cứu có thể thu thập huyết tương của những người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi để xác định xem liệu biến chủng Delta cộng có thể thoát được hệ miễn dịch hay không.

Có thể thấy, khi biến thể Delta tiếp tục phát triển và xuất hiện các đột biến mới, có rất nhiều nhà khoa học quan tâm đến việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của nó. Hầu như các đột biến của virus SARS-CoV-2 không thay đổi đặc tính. Nhưng phần lớn các chủng biến thể của SARS-CoV-2 phát triển nhanh hơn, chúng có cơ chế đọc lại bộ gen và sửa chữa trình tự nếu phát hiện ra lỗi; đồng thời cố gắng tối ưu hóa khả năng lây truyền và thoát khỏi hệ miễn dịch bằng cách thu nhận các đột biến mới một cách khôn ngoan.

Chính vì vậy, hiểu được sự tiến hóa liên tục này của virus gây Covid-19 có tầm quan trọng lớn trong việc lập bản đồ tiến hóa của chủng virus này, giúp tìm ra cách thức chữa bệnh tối ưu hơn và điều chế lại thành phần vaccine nhằm nâng cao hiệu quả ngăn ngừa trong tương lai.

Trước mắt, các chuyên gia y tế vẫn khuyến nghị, để ngăn chặn thành công số lượng đột biến của virus SARS-CoV-2, cần phải tăng tốc độ tiêm chủng. Cụ thể, WHO đề nghị tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 ít nhất phải là 80% dân số để giảm đáng kể nguy cơ bùng phát rộng hơn từ các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngăn chặn biến chủng virus SARS-CoV-2

    Thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngăn chặn biến chủng virus SARS-CoV-2

    04:09, 16/06/2021

  • Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử

    Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử

    19:09, 15/06/2021

  • [Infographics] Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

    [Infographics] Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

    02:14, 15/06/2021

  • Vaccine AstraZeneca giúp giảm 92% nguy cơ nhập viện do biến chủng Delta

    Vaccine AstraZeneca giúp giảm 92% nguy cơ nhập viện do biến chủng Delta

    16:28, 17/06/2021

  • Biến chủng B.1.617 đã xuất hiện ở 11 ổ dịch COVID-19

    Biến chủng B.1.617 đã xuất hiện ở 11 ổ dịch COVID-19

    15:24, 16/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cảnh báo biến chủng Delta tiếp tục đột biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO