Thấy gì từ chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Đông Nam Á?

CẨM ANH 20/07/2021 11:15

Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ lên đường thăm Việt Nam cuối tuần này.

Thắt chặt quan hệ quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sắp có chuyến thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sắp có chuyến thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

Được biết, đây là chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của quan chức cấp cao chính quyền Biden. Theo đó Bộ trưởng Lloyd Austin sẽ bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á vào ngày 23/7, với các điểm dừng chân tại Singapore, Việt Nam và Philippines.

Thư kí báo chí của Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ chứng tỏ tầm quan trọng của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á và ASEAN như một phần thiết yếu của kiến trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyến đi này sẽ nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.

Có thể thấy, mặc dù ông Biden không tập trung vào Đông Nam Á trong thời gian làm phó tổng thống từ năm 2009 đến năm 2017, nhưng ông là người có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Ngoài ra, với việc nhóm chính sách của ông còn bao gồm một nhóm chuyên gia sâu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tờ Nikkei nhận định, việc Bộ trưởng Quốc phòng tới thăm Philippines nhằm mục tiêu cải thiện quan hệ với quốc gia này. Đây cũng sẽ là chìa khóa cho sự xoay trục chính sách Đông Nam Á của Mỹ. Tháng trước, chính phủ Philippines một lần nữa né tránh đưa ra quyết định cuối cùng về việc duy trì hay chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng nhằm cung cấp khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này.

Với Việt Nam, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được kỳ vọng sẽ góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ bước lên một tầm cao mới. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước đã phát triển theo chiều hướng đi lên trên cơ sở các lợi ích chung. Việc là một trong hai quốc gia Đông Nam Á được đề cập cụ thể trong Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Chính quyền Biden cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành một phần quan trọng trong hoạch định quốc phòng của Mỹ đối với khu vực.

Đặc biệt, chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp tới cho thấy hai bên đang tập trung vào quan hệ quốc phòng. Trước đó, hai nước đã có nhiều hoạt động cụ thể trong việc nâng cao hợp tác quốc phòng an ninh như tổ chức 11 cuộc Đối thoại về Chính trị, An ninh và Quốc phòng nhằm thảo luận về hợp tác an ninh song phương.

Đồng thời trong các tài khóa 2017 đến 2021, Việt Nam đã tiếp nhận các khoản hỗ trợ an ninh song phương trị giá khoảng 60 triệu USD do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF), và hơn 20 triệu USD qua Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) thuộc chương trình FMF khu vực của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mới đây nhất, các tàu tuần tra của lực lượng Tuần duyên Mỹ được chuyển giao cho Việt Nam theo chương trình chuyển giao Trang bị Quốc phòng Dư thừa (EDA) đã lên đường về nước. Các tàu tuần duyên này đại diện cho những hoạt động chuyển giao quốc phòng quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam.

Mục đích của chính quyền Mỹ

Chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy các chính sách hợp tác quốc phòng với Đông

Chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy các chính sách hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á trong những năm gần đây

Theo các chuyên gia nhận định, khi nói đến cách tiếp cận của Tổng thống Biden đối với Đông Nam Á, những căng thẳng dai dẳng trong mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc là một yếu tố chính. Mặc dù có lẽ ít đối đầu công khai hơn về phía Trung Quốc so với Cựu Tổng thống Trump, nhưng nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ đã trở nên mất lòng tin hơn đối với Bắc Kinh trong những năm gần đây và tin rằng các chiến lược trước đây của Hoa Kỳ đã thất bại.

Tuy nhiên, chính quyền Biden nhận ra rằng, để theo đuổi một cách tiếp cận cứng rắn chống lại Trung Quốc, Mỹ không thể đủ khả năng để xa lánh các đối tác quan trọng ở Đông Nam Á, như cách mà chính quyền Trump đã làm. Nhiều khả năng, Đông Nam Á đối với Tổng thống Biden sẽ là một trong những khu vực quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của ông.

Cụ thể, trong bài phân tích của mình, chuyên gia cấp cao thuộc chương trình Đông Nam Á của Quỹ Châu Á tại Thái Lan Benjamin Zawacki nhận định, Tổng thống Biden sẽ tái đầu tư vào một số lĩnh vực mà Mỹ đã bị bỏ quên dưới thời Trump, từ ngoại giao đến tập trung vào các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, vốn sẽ thu hút các quốc gia Đông Nam Á.

Nhưng ngược lại với chiến thuật ngoại giao, Tổng thống Biden sẽ tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ quốc phòng song phương hơn là đa phương. Xét cho cùng, Thái Lan và Philippines là hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất tham gia Hiệp ước Manila năm 1954.

“Mặc dù vậy, có khả năng tổng thống Biden sẽ cần phải tính đến không chỉ một, mà là 11, các chính sách Đông Nam Á: đối với ASEAN và với 10 quốc gia thành viên. Và liệu chính sách của Tổng thống Biden về Đông Nam Á có thành công hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng của Mỹ trong việc cạnh tranh với Bắc Kinh, mà còn phụ thuộc vào tính toán của Đông Nam Á về lợi ích của chính họ”, chuyên gia này phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ lên kế hoạch kết nối đồng minh tham gia thỏa thuận thương mại kỹ thuật số

    Mỹ lên kế hoạch kết nối đồng minh tham gia thỏa thuận thương mại kỹ thuật số

    01:40, 14/07/2021

  • Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

    Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

    11:00, 12/07/2021

  • Mỹ và đồng minh tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông

    Mỹ và đồng minh tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông

    07:00, 13/06/2021

  • Củng cố hợp tác an ninh biển Việt - Mỹ trong bối cảnh mới

    Củng cố hợp tác an ninh biển Việt - Mỹ trong bối cảnh mới

    10:11, 12/06/2021

CẨM ANH