Các nước Đông Nam Á "loay hoay" tìm cách thoát khỏi đại dịch Covid-19
Các nước Đông Nam Á đang trong cuộc chiến quyết liệt đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch Covid-19 do biến thể Delta.
Hiện tại, các nước trong khối tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới Covid-19 và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao. Do dịch Covid-19 tái bùng phát, Singapore đã quyết siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội cho tới ngày 18/8 khi nước này ghi nhận 133 ca nhiễm Covid-19 mới. Đến nay, hơn 63.900 người đã nhiễm bệnh và 36 ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này.
Cùng ngày, Indonesia báo cáo 1.566 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Số ca mắc mới trong ngày là 49.071 trường hợp, nâng tổng số ca mắc COVID-19 vượt qua mốc 3 triệu người. Cụ thể, tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 3.082.410 ca mắc, trong đó có 2.431.911 người đã bình phục, 80.598 trường hợp tử vong trong khi vẫn còn gần 560.000 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà. Indonesia đã chính thức ra lệnh cấm nhập cảnh với lao động nước ngoài.
Hệ thống y tế của Indonesia đang bị quá tải nghiêm trọng. Một số khu vực bên ngoài đảo Java đang đề nghị chính quyền trung ương giúp đỡ khi các bệnh viện đều quá tải và nguồn cung cấp ôxy y tế cũng như vaccine ngừa Covid-19 đang thiếu hụt trầm trọng. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 sẽ lan rộng ra ngoài đảo Java và Bali.
Tương tự, Philippines xác nhận thêm 6.845 ca mắc mới. Lo ngại trước sự gia tăng của các biến thể SARS-CoV-2, Bộ Y tế Philippines cảnh báo, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng tối thiểu, tiếp tục tránh lui tới những không gian kín cũng như tụ tập đông người.
Có thể thấy, việc tăng cường lấy mẫu xét nghiệm khi biến thể Delta tấn công nhanh và mạnh lan đến Đông Nam Á từ tháng 2 đã dẫn tới việc các ca nhiễm bệnh tăng nhanh từng ngày. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch trong khi chưa nhận thức hết mối nguy hiểm từ biến thể mới.
Cùng với đó, tốc độ tiêm chủng chậm chạp cũng là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia chỉ ra, tỷ lệ dân số Đông Nam Á đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới.
Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng chung của Đông Nam Á là 9%, chỉ cao hơn châu Phi và Trung Á, và ở khoảng cách rất xa so với các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ do nguồn cung vaccine hạn chế đi kèm với việc thiếu nguồn lực tài chính để mua đủ số lượng vaccine cần thiết.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Swee Kheng Khor, chuyên gia độc lập về chính sách y tế tại Malaysia, mặc dù nhiều quốc gia còn phản ứng chậm trong giai đoạn đầu của đại dịch, tuy nhiên việc thay đổi chiến lược quốc gia nhanh chóng sẽ mang lại cơ hội cho các nước ASEAN khống chế đại dịch tốt hơn trong những tháng cuối năm 2021.
Trên thực tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, các nước Đông Nam Á đã và đang áp dụng các biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, quyết tâm của chính phủ các nước cũng đang vấp phải một số rào cản.
Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực cho các quốc gia Đông Nam Á là mới đây, Giám đốc điều hành AstraZeneca tại Thái Lan James Teague cho biết hãng đang tăng cường tìm kiếm nhiều chuỗi cung ứng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu để đẩy mạnh nguồn cung cho Đông Nam Á.
Đồng thời, một số nước như Mỹ, Nhật Bản… cũng cam kết sẽ tăng cường cung cấp vaccine cho một số nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua cơ chế COVAX.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ví việc đối phó với Covid-19 giống như một cuộc chạy marathon chứ không phải là một cuộc chạy nước rút, thúc giục các quốc gia tiếp tục cảnh giác và thận trọng.
Có thể bạn quan tâm
"Hộp cát Phuket" và bài học cho các quốc gia Đông Nam Á
04:30, 05/07/2021
Singapore Airlines "đón lõng" sự hồi phục hàng không Đông Nam Á
04:08, 30/06/2021
Khống chế dịch COVID-19: “Nấn ná” một ngày, thiệt hại tăng theo cấp số nhân
12:45, 25/07/2021
Hiểu thế nào về các ca nhiễm Covid-19 hậu tiêm chủng?
15:01, 24/07/2021