Bài học tiêm chủng từ quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Mặc dù có nhiều trở ngại, nhưng Bhutan đã hoàn thành việc tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai cho người trưởng thành đủ điều kiện trong 1 tuần.
Trước đó, quốc gia này cho biết đã tiêm mũi đầu tiên cho 90% dân số đủ điều kiện chỉ trong 2 tuần, sau khi được Ấn Độ tặng 550.000 liều AstraZeneca. Nhưng sau đó, Bhutan không còn vaccine khi Ấn Độ dừng xuất khẩu để xử lý khủng hoảng y tế trong nước.
Tuần trước, Bhutan khởi động lại chương trình tiêm chủng sau khi nhận được nửa triệu liều vắc-xin Moderna từ Mỹ qua chương trình COVAX. Nước này còn nhận được 5.000 liều Pfizer thông qua COVAX, 400.000 liều AstraZeneca từ Đan Mạch, Croatia và Bulgaria trong 2 tuần qua.
“Mục tiêu của chúng tôi là đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất có thể để chặn một cuộc khủng hoảng y tế lớn”, Bộ trưởng Y tế Bhutan Dechen Wangmo cho biết. Chính phủ dự kiến sẽ xem xét việc nới lỏng các biện pháp giãn cách nghiêm chặt như hạn chế đi lại, đồng thời từ từ mở cửa biên giới của sau đợt tiêm chủng thứ hai.
Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh lợi thế về dân số, một trong những yếu tố góp phần mang lại thành công là chiến dịch tiêm chủng hợp lý. Ngay khi Ấn Độ ngừng cung cấp vaccine, chính phủ Bhutan đã chủ động tìm kiếm vaccine từ các nguồn viện trợ khác mà không tập trung vào 1 loại cụ thể.
Chính vì vậy, đã có nhiều quốc gia đáp ứng lời kêu gọi của Bhutan và giúp nước này đẩy nhanh việc tiêm chủng hơn. Thông qua COVAX, 500.000 liều vaccine Moderna từ Mỹ được gửi tới Bhutan. Đan Mạch tặng 250.000 liều AstraZeneca, trong khi Trung Quốc đóng góp 50.000 liều Sinopharm. Ngay sau đó, Croatia, Bulgaria, và một vài quốc gia khác cũng đã gửi 100.000 liều AstraZeneca nữa tới Bhutan.
Với địa hình khó khăn để vận chuyển cũng như thiếu các vật tư y tế cần thiết để bảo quan vaccine, tuy nhiên, Bhutan đã nhận được sự giúp đỡ từ khâu hậu cần, vận chuyển vaccine, và kho trữ lạnh từ UNICEF. Chính vì vậy, mọi công dân Bhutan hơn 18 tuổi đều sẽ đủ điều kiện tiêm chủng và được chọn giữa vaccine Moderna và AstraZeneca tại hơn 1.200 địa điểm tiêm chủng trên khắp đất nước.
Bhutan cũng đã nhận được bộ dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang N95 và các loại thuốc thiết yếu như paracetamol từ New Delhi.
Một điều đặc biệt là Thủ tướng Lotay Tshering của Bhutan còn là bác sĩ và Bộ trưởng Bộ Y tế, Dechen Wangmo có bằng về tim mạch và dịch tễ học của các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Do đó, các biện pháp kiểm dịch trong nước cũng rất nghiêm ngặt. Vào tháng 3, nhà vua Bhutan đã trải qua một tuần bắt buộc cách ly khi trở về từ chuyến công du các tỉnh phía Nam. Tương tự, Thủ tướng cũng tự cách li trong 21 ngày sau chuyến công du chính thức đến Bangladesh.
Bên cạnh đó, chính phủ quốc gia này cũng đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi 12-17 tại hai quận bị phong tỏa gần biên giới chung với Ấn Độ để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Chính quyền Bhutan cũng mua thêm 200.000 liều vaccine Pfizer nữa để tiêm chủng cho trẻ em. Lô vaccine này dự kiến được giao trong năm nay.
Bhutan đã phổ cập tiêm chủng vào những năm 1990, việc tiêm chủng hiện tại đang dựa trên các chương trình hiện có. Việc giới thiệu một loại vaccine mới rất dễ dàng thông qua nhiều cuộc vận động và lập kế hoạch từ cấp vi mô. Hơn nữa, người dân Bhutan rất ít do dự trong việc tiêm chủng.
Các nhân viên y tế tại Bhutan đều hoàn thành Chương trình Mở rộng về Tiêm chủng (EPI) và quốc gia này đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh để bảo quản vaccine Covid-19.
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn lo ngại khả năng biến thể Delta lây lan rộng khi Bhutan quyết định mở cửa biên giới. Một số nước láng giềng của Ấn Độ như Nepal và Bangladesh đã chứng kiến các ca bệnh và tử vong đang tăng đột biến do nhiễm biến chủng Delta từ những ca mắc Covid-19 là người lao động nhập cư trở về.
Theo chuyên gia Rui Paulo de Jesus của Tổ chức Y tế WHO tại Bhutan cho biết, mặc dù việc lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra, nhưng Bhutan có thể xác định các ca bệnh ở giai đoạn sớm và ngay lập tức cách ly và điều trị. “Điều đó cho chúng tôi biết hệ thống y tế công cộng vẫn đang hoạt động tốt. Sẽ tốt hơn nếu Bhutan trì hoãn kế hoạch mở cửa biên giới trong thời điểm hiện tại."
Có thể bạn quan tâm
Hiểu thế nào về các ca nhiễm Covid-19 hậu tiêm chủng?
15:01, 24/07/2021
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Tiêm đến đâu an toàn tới đó
14:00, 10/07/2021
Phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc
11:13, 10/07/2021
Dấu ấn của chiến dịch tiêm chủng thần tốc tại TP.HCM
16:00, 02/07/2021
Đa dạng nguồn vaccine dẫn đến tình trạng "kén", trì hoãn việc tiêm chủng?
05:00, 07/07/2021