Phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc

Nguồn: BỘ Y TẾ 10/07/2021 11:13

Sáng 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc - chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.

Sử dụng vắc xin COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Sáng 10/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi, thực hiện trong thời gian ngắn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo tại lễ phát động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tại buổi lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc diễn ra vào sáng 10/7/2021 tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tại buổi lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc diễn ra vào sáng 10/7/2021 tại Hà Nội.

Trước khi vào buổi lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã dự lễ tiếp nhận hơn 2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Moderna của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: "An toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu". Hà Nội có trên 5,1 triệu người cần tiêm chủng.

Để thực hiện Chiến dịch, Thành uỷ Hà Nội đã đặt công tác tiêm chủng ở mức cao, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể vào cuộc. Các quận, huyện xây dựng kết hoạch chi tiết cho công tác tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về Chiến dịch tiêm chủng...

Hà Nội đã tổ chức diễn tập tiêm chủng di động tại Trường Mầm non Hoa Hồng Quận Cầu Giấy để rút kinh nghiệm trong tiêm chủng. Sẵn sàng mọi phương diện cho Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo công tác chuẩn bị sẵn sàng triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc và phát động Chiến dịch.

Theo Bộ trưởng, Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc được phát động với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vắc xin được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được 105 triệu liều vắc xin trong năm 2021, tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Lễ phát động.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Lễ phát động.

Riêng trong tháng 7/2021, hơn 8 triệu liều vắc xin sẽ về đến Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương trong khu vực miền Nam. Tất cả các vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vắc xin trong phòng, chống dịch bệnh, đại đa số người dân đều có chung mong muốn được tiêm chủng vắc xin. Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân ủng hộ việc tiêm vắc xin cao hơn nhiều nước trên thế giới. Tinh thần này cũng được thể hiện rất rõ trong việc người dân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như sẵn sàng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian qua. Đây là yếu tố thuận lợi đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành Y tế và các Bộ, ngành liên quan, để triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đã thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Để chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thành công, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Chiến dịch mong muốn nhận được sự hưởng ứng tích cực và hợp tác nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng chống dịch, xác định việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước. Ngành y tế và các lực lượng sẽ nỗ lực hết mình, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Lô vắc xin hôm nay nằm trong số 80 triệu liều vắc xin mà Tổng thống Hoa Kỳ cam kết cung ứng từ nguồn vắc xin trong nước hồi tháng 5

Lô vắc xin hôm nay nằm trong số 80 triệu liều vắc xin mà Tổng thống Hoa Kỳ cam kết cung ứng từ nguồn vắc xin trong nước hồi tháng 5

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các quốc gia, các tổ chức, đối tác nước ngoài để thúc đẩy việc thực hiện cam kết cung ứng vắc xin cho Việt Nam theo đúng tiến độ. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vắc xin đang được nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam sớm được sản xuất, phê duyệt phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước; đồng thời đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, từng bước xây dựng an ninh vắc xin cho Việt Nam.

Chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây, trong đó:

(1) thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vắc xin được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm;

(2) thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng;

(3) chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân;

(4) triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Ông Kamal Malhotral - Điều phối viên chương trình Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi rất vui mừng được đại diện cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam có mặt tại sự kiện quan trọng này. Cơ chế COVAX là niềm hy vọng lớn của thế giới nhằm đảm bảo công bằng trong phân phối vắc xin toàn cầu và tiếp cận những quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới để đối phó với đại dịch COVID-19. Cho đến lúc này, cơ chế COVAX trên toàn cầu đã phân bổ khoảng 215 triệu 1 vắc xin và hơn 100 triệu liều đã được vận chuyển đến 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam".

Ông Kamal Malhotral - Điều phối viên chương trình Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Ông Kamal Malhotral - Điều phối viên chương trình Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Ông Christopher Klein - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ: “Lô vắc xin này mang đến cho chúng ta hy vọng về một hồi kết cho cuộc chiến chống COVID-19. Nó mang đến cho chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020".

Ngoài lô vắc xin hôm nay, Việt Nam trước đó đã tiếp nhận 2.493.200 liều vắc xin AstraZeneca thông qua Cơ chế COVAX. Chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng với UNICEF là đối tác triển khai chính.

Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước

Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước

Kể từ khi lô vắc xin đầu tiên đến Việt Nam hồi đầu tháng 4 thông qua Chương trình COVAX, đến nay cả nước đã tiêm gần 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Nguồn vắc xin bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.

Vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục đến Việt Nam thông qua Chương trình COVAX là một tín hiệu đáng khích lệ, song việc tiêm phòng cho tất cả các nhóm ưu tiên sẽ cần nhiều thời gian. Bởi vậy, để giảm lây lan dịch bệnh, người dẫn cần tiếp tục thực hiện 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ vọng "hộ chiếu vaccine" sẽ vực dậy thị trường bất động sản

    12:28, 09/07/2021

  • Mở rộng thêm 16 nhóm đối tượng tiêm vaccine COVID-19

    11:00, 09/07/2021

  • 600.000 liều vaccine AstraZeneca sẽ về TP.HCM vào sáng 9/7

    02:04, 09/07/2021

  • Thủ tướng đồng ý áp dụng Chỉ thị 16, ưu tiên vaccine cho TP HCM

    09:34, 08/07/2021

  • Đa dạng nguồn vaccine dẫn đến tình trạng "kén", trì hoãn việc tiêm chủng?

    05:00, 07/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO