Tương lai mờ mịt của Afghanistan

CẨM ANH 16/08/2021 13:00

Việc Taliban quay lại vị trí cầm quyền tại Afghanistan đang đặt ra nhiều dấu hỏi cho tương lai của quốc gia này.

Lực lượng chiến binh Taliban chiếm quyền kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan tối 15/8. (Nguồn: ABC News)

Lực lượng Taliban chiếm quyền kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan tối 15/8. (Nguồn: ABC News)

Sau khi chính phủ Afghanistan chấp nhận chuyển giao quyền lực, Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước, Taliban đã chính thức kiểm soát thủ đô Kabul sau khi chiếm các thành phố lớn chỉ trong vòng một tuần nhờ chiến dịch quân sự chớp nhoáng.

Có thể thấy, việc Mỹ rút quân đã khiến Chính phủ Afghanistan mất đi lợi thế quan trọng nhất trong cuộc chiến, đó là sự hỗ trợ trên không. Trước sự tấn công dồn dập ở khắp các thành phố bị vây hãm trong nhiều tuần, hệ thống phòng thủ của Afghanistan sụp đổ như một “lâu đài cát” khi Taliban gia tăng sức ép.

Cùng với sự bất ổn và mâu thuẫn nội bộ của Afghanistan, quốc gia này đã không có một chính phủ tập quyền mạnh trong một thời gian dài. Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani được cho là đã tìm cách “phớt lờ” các thủ lĩnh sắc tộc. Điều đó khiến sự nghi kỵ, chia rẽ sắc tộc và phe phái ở Afghanistan ngày càng sâu sắc, trong khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phong trào Taliban rơi vào bế tắc.

Các nhà nghiên cứu chính trị lo ngại, những hệ quả khôn lường mà cục diện của cuộc xung đột sẽ gây ra cho cả khu vực và xa hơn thế. Hiện tại, nhiều tổ chức quốc tế đang lo ngại, sự quay lại của Taliban sẽ biến quốc gia này thành điểm nóng về nhân quyền trong thời gian tới.

Trong quá khứ, Taliban đã từng áp đặt các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt đối với phụ nữ và trẻ em gái như không được tiếp cận với giáo dục, phụ nữ bắt buộc mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân. Bên cạnh đó, Taliban cũng tiến hành đàn áp các nhóm thiểu số như người Shiite Hazara và phá hủy các tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan.

Mặc dù trong thời gian gần đây, Taliban đang tìm cách thể hiện bộ mặt ôn hòa hơn qua những tuyên bố như sẽ ân xá cho những người từng chống lại mình. Tuy nhiên, Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ đánh giá, không có gì đảm bảo một lực lượng Taliban mới sẽ không gây ra các vấn đề nhân đạo khác.

“Tại các khu vực mà Taliban kiểm soát, nhóm này đã hành quyết dân thường, đánh roi phụ nữ, đóng cửa trường học, phá hủy bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác", Haqqani nói.

Đáng lo ngại hơn, nhiều ý kiến lo ngại về việc Taliban sẽ hỗ trợ cho các phần tử cực đoan ẩn náu tại Afghanistan trỗi dậy sau khi nắm quyền. Nếu điều này xảy ra, những phần tử khủng bố quốc tế sẽ tiếp tục gây ra những lo ngại đến nền an ninh quốc gia Mỹ hoặc các cường quốc khác.

"Nếu nhóm này giành quyền kiểm soát Afghanistan, tôi không nghi ngờ việc chúng sẽ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói.

Các nhà đàm phán của Taliban tại hội nghị hòa bình Afghanistan ở Moscow, Nga hồi tháng 3.2021 REUTERS

Các nhà đàm phán của Taliban tại hội nghị hòa bình Afghanistan ở Moscow, Nga tháng 3/2021. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Taliban sẽ không tiếp quản chính quyền Kabul bởi sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt, cấm vận quốc tế. Chuyên gia Laurel Miller, Giám đốc chương trình châu Á của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế đã chỉ ra, trong vài tuần qua, giới lãnh đạo Taliban liên tục có các chuyến thăm Iran, Nga và Trung Quốc. Ông Laurel Miller đánh giá, đây là cách thức Taliban tạo hình ảnh chính danh trong mắt các ông lớn trong khu vực và cả các nước tại vùng Vịnh và xây dựng được chỗ dựa vững chắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ và các nước đồng minh.

Trước mắt, Trong những phản ứng đầu tiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã yêu cầu Taliban “thực hiện kiềm chế tối đa” ở Afghanistan. Liên minh châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh sự cần thiết tránh các cuộc tàn sát tại Afghanistan. Theo Phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell nói: "Chúng tôi hiểu rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành về một hệ thống chuyển giao chính quyền và chúng tôi sẽ phản ứng theo kết quả của cuộc chuyển giao".         

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định sẽ hỗ trợ người dân Afghanistan tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay, điều mà tổ chức này khẳng định là "cấp bách hơn bao giờ hết". Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết ông sẽ có các cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng Taliban. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Tehran sẵn sàng “tiếp tục thực hiện những nỗ lực kiến tạo hòa bình".

Về phần Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thừa nhận Mỹ đã dự đoán sai về Taliban và tình hình tại Afhganistan. Theo nguồn tin tại Mỹ, dự kiến, Tổng thống Joe Biden sẽ phát biểu trước toàn quốc trong vài ngày tới về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan.

Có thể bạn quan tâm

  • Afghanistan - khi cơn “đau đầu” của người Mỹ tái phát

    Afghanistan - khi cơn “đau đầu” của người Mỹ tái phát

    06:00, 16/08/2021

  • Trung Quốc có khả năng thế chân Mỹ tại Afghanistan?

    Trung Quốc có khả năng thế chân Mỹ tại Afghanistan?

    05:00, 20/04/2021

  • "Ván cược" Afghanistan của Tổng thống Joe Biden

    05:00, 18/04/2021

  • Afghanistan

    Afghanistan "dính đòn" khi Mỹ trừng phạt Iran

    16:30, 29/05/2018

CẨM ANH