Lo ngại chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy tại Afghanistan
Nhiều chuyên gia lo ngại, sự xuất hiện trở lại của Taliban có thể tạo ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Afghanistan cũng như với các nước khác trong khu vực.
Vào tháng 4/2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố rằng tất cả các lực lượng Hoa Kỳ và NATO sẽ rời Afghanistan vào dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Quyết định đơn phương rút khỏi quốc gia này đã tạo cơ hội cho các thủ lĩnh Taliban giành lại toàn quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bị sốc trước tốc độ của phiến quân Taliban chiếm được quốc gia khi các lực lượng Afghanistan do Mỹ và các quốc gia khác huấn luyện với chi phí hàng tỷ USD nhanh chóng rệu rã. Hiện tại, một số báo cáo cho thấy Taliban đã hỗ trợ cho các hoạt động của một số chi nhánh và chỉ huy của Al-Qaeda, dẫn đến nguy cơ thực sự bùng nổ hoạt động khủng bố bên ngoài Afghanistan.
Cụ thể, theo bản đánh giá dựa trên thông tin tình báo nhận được từ các nước thành viên của Liên hợp Quốc cho biết, Al-Qaeda đã hiện diện tại ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan. Ngoài ra, chi nhánh Al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ đang hoạt động dưới sự bảo vệ của Taliban từ các tỉnh Kandahar, Helmand và Nimruz. Phương tiện truyền thông của Al-Qaeda cũng ca ngợi những phần tử của nhóm này hoạt động thường xuyên ở Afghanistan.
Mặc dù trong thỏa thuận năm ngoái với Mỹ, Taliban cam kết không cho phép hoạt động đào tạo, gây quỹ hoặc tuyển quân những kẻ khủng bố, trong đó có cả Al-Qaeda. Tuy nhiên theo giới quan sát, tình thế hiện tại đã khác trước. Trong quá khứ, điều này đã từng xảy ra khi các quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan, tạo điều kiện cho Al-Qaeda và các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng phát triển nhanh chóng trở lại ở Iraq.
Theo đánh giá của Đại sứ Afghanistan tại Liên hợp quốc Ghulam Isaczai, Taliban có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nhóm khủng bố đang hoạt động trên nhiều khu vực, từ Nga đến Ấn Độ. Tổ chức này có sự hỗ trợ của al-Qaeda, Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), Hezb-e-Islami Gulbuddin, Nhà nước Hồi giáo, Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan và Lashkar-e-Taiba. Sự gia tăng hoạt động của các nhóm liên kết với Taliban cũng là mối lo ngại đối với các cộng đồng dân tộc không thuộc Pashtun đang sống ở các khu vực dọc biên giới Pakistan-Afghanistan.
Đặc biệt, một Afghanistan do Taliban lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng cho Tehrik-i-Taliban Pakistan, thường được gọi đơn giản hơn là Taliban Pakistan. Chuyên gia về chính sách đối ngoại Madiha Afzal tại Viện Brookings chỉ ra, mặc dù lãnh đạo hai nhóm này được cho là mâu thuẫn và không có chung mục tiêu, nhưng nếu có một chính phủ Taliban ở Afghanistan, chắc chắn điều đó sẽ làm gia tăng lực lượng Taliban ở Pakistan.
“Pakistan đang chơi một trò chơi mạo hiểm khi vừa hỗ trợ Taliban, vừa cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Washington. Điều này sẽ không bao giờ chứng tỏ sự bền vững trong dài hạn", ông Afzal đánh giá.
Tương tự, Afghanistan cũng có chung đường biên giới với Trung Quốc qua tỉnh Tân Cương. Mối quan hệ giữa Taliban và Bắc Kinh đang trở nên hứa hẹn hơn, có báo cáo rằng một số thủ lĩnh Taliban có thiện cảm với các nhóm Hồi giáo Uygur chống lại nhà nước Trung Quốc. Chính vì vậy, Bắc Kinh cũng lo ngại rằng sự trở lại của Taliban ở Afghanistan có thể có lợi cho Phong trào Độc lập Đông Turkestan.
Có thể thấy, nguy cơ các lực lượng khủng bố tại khu vực này đang hiện diện ngày một rõ ràng hơn bao giờ hết. Hàng trăm nghìn người đã phải di tản khỏi Afghanistan sang các quốc gia Nam Á khác để tị nạn. Sự gia tăng lượng người tị nạn có thể gây mất ổn định an ninh khu vực và làm bùng phát dịch bệnh COVID-19 diện rộng.
Nếu chiến dịch tấn công Al-Qaeda không còn mạnh mẽ như trước, nhóm khủng bố này có thể trỗi dậy và đe dọa gây ra các vụ tấn công mới trên thế giới. Chính vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc lớn trên không hợp tác ngay để ngăn chặn thảm họa này, thế giới sẽ nhanh chóng chứng kiến chủ nghĩa khủng bố lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Có thể bạn quan tâm