Nghiên cứu vaccine COVID-19 từ động vật
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu nọc độc rắn để điều chế thuốc điều trị COVID-19.
Theo nghiên cứu được công bố mới đây của các nhà khoa học Brazil trên tạp chí Molecules, phân tử có trong nọc độc của loài rắn jararacussu có thể gây ức chế tới 75% khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 có trong tế bào của khỉ.
Rafael Guido, Giáo sư Đại học Sao Paulo và là tác giả của nghiên cứu cho biết, phân tử có trong nọc rắn Jararacussu, một trong những loài rắn lớn nhất ở Brazil, có thể ức chế một loại protein rất quan trọng của virus.
Cụ thể, phân tử này là một peptide, hoặc chuỗi axit amin, có thể kết nối với một loại enzyme của virus SARS-CoV-2 có tên PLPro. Enzyme này rất quan trọng đối với sự sinh sản của virus. Đáng chú ý, peptide vốn được biết đến với đặc tính kháng khuẩn có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, nên không cần bắt hoặc nuôi rắn.
Mặc dù vậy, bản thân nọc độc không phải là thứ có thể chữa COVID-19 vào thời điểm này khi thành phần vừa được phát hiện chỉ là một phần nhỏ có trong nọc độc của loài rắn này.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục đánh giá tính hiệu quả khi sử dụng liều lượng khác nhau của phân tử tìm thấy trong nọc độc rắn và liệu rằng nó thực sự có thể giúp ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào ngay từ đầu hay không. Các nhà nghiên cứu đang đặt rất nhiều kỳ vọng sớm có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người liên quan tới phân tử vừa được phát hiện.
Trước đó, nhiều thí nghiệm trên động vật cho thấy có chứa các kháng thể có thể chống lại biến chủng Delta, Alpha. Cụ thể, nghiên cứu mới từ Đức khẳng định họ đã phát triển thành công các kháng kháng thể nano từ hệ miễn dịch của các con lạc đà cừu Nam Mỹ có thể ngăn chặn được cả các biến chủng "thoát miễn dịch" của SAR-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Các kháng thể nano nhỏ hơn và đơn giản hơn các kháng thể thông thường nhưng có tiềm năng rất lớn khi có thể liên kết và vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 tốt hơn tới 1.000 lần so với các kháng thể nano đã được phát triển trước đó. Đặc biệt, những kháng thể này đều có hiệu quả cao đối với các "đột biến thoát miễn dịch" như K417N/T, E484K, N501Y và L452R được tìm thấy trong các dòng Alpha, Beta, Gamma, Epsilon, Iota và Delta/Kappa.
Theo giáo sư Matthias Dobbelstein, Giám đốc Viện Ung thư phân tử của UMG, các kháng thể nano này có thể chịu được nhiệt độ lên tới 95 độ C mà không bị mất chức năng hay kết tụ, do đó sẽ rất dễ đưa vào sản xuất, tạo nên một phương thuốc điều trị dễ sản xuất, dễ xử lý và bảo quản.
Tương tự, giống như alpaca, máu của cua móng ngựa có những đặc tính không có ở người và các loài động vật khác. Các nhà nghiên cứu nhận định, những động vật chân đốt này có hệ thống miễn dịch nguyên thủy hơn động vật có vú. Khả năng miễn dịch của chúng đối với các mầm bệnh có nguồn gốc xuất phát từ một loại tế bào máu được gọi là amebocyte. Khi các tế bào này gặp virus hoặc chất độc trong hệ tuần hoàn, chúng sẽ kích hoạt phản ứng đông máu. Phản ứng này bắt đầu hình thành cục máu đông, hoặc máu chảy ra xung quanh mầm bệnh, ngăn chặn sự lây lan và gây hại thêm cho cơ thể.
Trao đổi trên Global Times Hu Menghong, giáo sư tại Đại học Hải dương Thượng Hải và là chuyên gia về cua móng ngựa cho biết, “nước lysate cua móng ngựa hiện là không thể thiếu, chất thay thế nhân tạo là không ổn định, vì vậy TAL và LAL truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi trong y học. Tuy nhiên để sản xuất vaccine COVID-19 với số lượng lớn sẽ gặp nhiều khó khăn do số lượng cua móng ngựa đang nhanh chóng sụt giảm".
Nhiều thập kỷ nghiên cứu về virus Corona trên động vật đã tạo nền tảng góp phần các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn khi COVID-19 lan rộng. Việc sử dụng động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật trong nghiên cứu đã mang lại những tiến bộ y học và dẫn đến các công nghệ được sử dụng trên khắp thế giới hàng ngày.
Chính vì vậy, các loài động vật như Alpaca, cua móng ngựa và rắn không phải là những sinh vật duy nhất góp phần vào công việc nghiên cứu để chấm dứt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cần tiến hành các thí nghiệm một cách thận trọng, đảm bảo không làm tổn hại đến sự phát triển tự nhiên, cũng như quần thể của các loài động vật.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn ngừa virus gây COVID-19 từ kháng thể lạc đà không bướu
05:00, 28/08/2021
Lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sang động vật
05:28, 07/05/2021
Phát hiện virus mới có khả năng lây từ động vật sang người
14:28, 10/10/2020
Xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng lo ngại của virus SARS-COV-2
05:30, 01/09/2021
Xuất hiện thêm các virus gây bệnh truyền nhiễm mới
11:00, 17/08/2021