Vì sao New Zealand từ bỏ chiến lược "zero COVID"?
Sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm nhiều quốc gia, trong đó có New Zealand phải thay đổi chiến lược “zero-COVID”.
Trong một thời gian dài, New Zealand đã không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào nhờ lệnh đóng cửa nghiêm ngặt và cách ly địa lý. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát gần đây nhất bắt đầu vào tháng 8, số ca nhiễm COVID-19 đang tiếp tục gia tăng. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã làm tình hình thêm nghiêm trọng hơn.
Sau khi áp dụng một trong những cách tiếp cận nghiêm ngặt nhất trên thế giới để cố gắng kiểm soát sự lây lan của COVID-19, bà Arden cho biết thêm, việc đưa số ca mắc COVID-19 về 0 là rất khó khăn. “Đợt bùng phát biến thể Delta đã thúc đẩy chủng ta phải thay đổi. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong thời gian dài không giúp đưa số ca mắc COVID-19 về 0. Chiến lược loại bỏ COVID-19 quan trọng khi chúng ta chưa có vaccine. Nhưng giờ chúng ta đã tiêm chủng cho người dân, vì thế cần phải thay đổi cách thức”, Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh.
Thay vào đó, chính phủ sẽ tăng cường tiêm chủng và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời chấm dứt đóng cửa khi 90% dân số đủ điều kiện được chủng ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa ảnh hưởng tới 1,7 triệu người ở thành phố Aukland lớn nhất New Zealand, sẽ được thu nhỏ quy mô theo từng giai đoạn, một số hoạt động được phép nối lại từ 6/10, cho phép người dân rời khỏi nhà và kết nối với những người thân ở ngoài trời. Các hạn chế cũng được mở rộng cho một số vùng khác của đất nước.
Đồng thời, để sống chung với COVID-19, New Zealand cũng sẽ đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng. Theo Thủ tướng Adern, 52% người dân thành phố Auckland đã được tiêm chủng đầy đủ, và 84% dân số đã tiêm một liều. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sẽ kết thúc sau khi 90% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.
"Không có gì ngạc nhiên khi New Zealand đã từ bỏ chiến lược “zero-Covid” khi biến thể delta có khả năng lây nhiễm cao đã thay đổi cuộc chơi và chiến lược đóng cửa hoàn toàn không còn khả thi nữa", Lawrence Young, nhà virus học và giáo sư tại Đại học của Warwick, nói với CNBC. “Điều này không có nghĩa là các biện pháp hạn chế như đóng cửa biên giới, kiểm dịch và truy vết ca nhiễm không có hiệu quả nhưng việc kéo dài các biện pháp phong tỏa sẽ gây tổn hại cho cá nhân và xã hội”.
Mặc dù vậy, nhà vi trùng học Siouxsie Wiles, một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất về ứng phó đại dịch COVID-19 nhận định, việc New Zealand từ bỏ chiến lược zero-COVID sẽ mang lại nhiều rủi ro khi tỷ lệ tiêm chủng còn ở mức thấp. “Rõ ràng là New Zealand đang đánh mất hệ thống cảnh báo cấp độ 1 để đổi lại một chút tự do và đặc quyền. Hầu hết phần còn lại của thế giới vẫn chưa trở lại cuộc sống bình thường. Hoặc nếu họ có thì điều này vẫn thực sự nguy hiểm, rất nhiều người đã mắc bệnh và cũng nhiều người đã tử vong do COVID-19”. - nhà vi trùng học Siouxsie Wiles nói.
Theo ông Wiles, chiến lược loại bỏ COVID-19 cho tới nay vẫn rất hợp lý vì nó bảo vệ được hầu hết tất cả người dân New Zealand. Khi chuyển hướng và tính toán tới khả năng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, kết quả ở New Zealand có thể sẽ tương tự như những gì đã xảy ra trên toàn thế giới, tác động của nó sẽ dồn lên những người nghèo, những người khuyết tật hoặc các sắc tộc vốn chịu nhiều thiệt thòi.
“Không phải ai cũng có chung quan điểm về sự thay đổi chiến lược của New Zealand. Những người giàu có và được hưởng đặc quyền sẽ vẫn sống một cuộc sống giàu có, có đặc quyền và họ có thể không bị ảnh hưởng, trong khi các cộng đồng khác có thể sẽ bị tàn phá bởi đại dịch này. Chúng ta có có hội để làm mọi thứ khác đi. Nhưng chúng ta lại không làm”, ông Wiles nói.
Đồng quan điếm, Viện Economist Intelligence Unit (EIU) đã lưu ý trong một báo cáo vào tháng 7 rằng họ hy vọng các quốc gia đang thực hiện chiến lược zero Covid sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới trong suốt năm 2021 và chỉ tiến hành nới lỏng từ đầu năm 2022 khi việc tiêm chủng hàng loạt diện rộng được thực hiện.
Báo cáo của EIU cho biết, số ca tử vong do COVID-19 ở các quốc gia thực hiện chiến lược zero-Covid ở châu Á thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trên toàn cầu và tác động kinh tế do đại dịch ít nghiêm trọng hơn, từ đó làm chậm suy thoái kinh tế ở châu Á hơn nhiều so với các khu vực khác trong năm 2002 vừa qua. Báo cáo này cũng lưu ý rằng, nếu phần còn lại của thế giới cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, điều này có thể chứng minh zero-Covid là một chiến lược bền vững.
Mặc dù vậy, EIU cũng nhận định, các chính sách mở cửa được các nước thực hành zero ‑ Covid tiến hành một cách thận trọng hơn so với các chính sách ở các nước Bắc Mỹ và Châu Âu. Phương pháp này nhắm đến mục tiêu giảm dần số ca mắc mới và hạn chế thấp nhất các ca nhiễm nặng hoặc tử vong.
Có thể bạn quan tâm