Mỹ khởi động đầu tư vào các dự án hạ tầng đối chọi với BRI
Mới đây, Mỹ đã lên kế hoạch đầu tư vào 5-10 dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi trong một chuyến thăm của phái đoàn Mỹ tại một số nước châu Phi vào tuần trước.
Kỳ vọng vào B3W
Cụ thể, theo Reuters đưa tin, một phái đoàn Mỹ do ông Daleep Singh, Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden, dẫn đầu đã xác định ít nhất 10 dự án hứa hẹn ở Senegal và Ghana trong các chuyến thăm vào tuần trước. Được biết, nhóm quan chức gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia nhằm tìm kiếm dự án tài trợ trong khuôn khổ sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) - nỗ lực được G7 phát động vào tháng 6 vừa qua.
Nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết thêm, các kế hoạch có thể được hoàn thiện trong cuộc họp của nhóm G7 vào tháng 12/2021. "Những nỗ lực nói trên kỳ vọng sẽ xác định một số dự án quan trọng có thể khởi động vào đầu năm sau", quan chức này chia sẻ.
Trước đó, một phái đoàn Mỹ đã đến thăm Ecuador, Panama và Colombia trong chuyến công du vào tháng 9 vừa qua. Một chuyến đi tương tự tới châu Á sẽ được tổ chức trước cuối năm nay, nhưng chưa đề cập điểm đến cụ thể.
Đáng chú ý, Mỹ sẽ cung cấp cho các nước đang phát triển "đầy đủ" các công cụ tài chính của Mỹ và nỗ lực xác định các dự án hàng đầu có thể khởi động vào đầu năm sau. Các dự án được thảo luận bao gồm thiết lập một trung tâm sản xuất vaccine khả thi cho Tây Phi ở Senegal, tăng cường nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.
Theo giới chức Mỹ, Sáng kiến B3W của G7 muốn thu hẹp nguồn vốn trị giá 40.000 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà các nước đang phát triển cần trước năm 2035. Washington sẽ mang đến các nước đang phát triển "đầy đủ" công cụ tài chính của Mỹ, tập trung vào lĩnh vực khí hậu, y tế, công nghệ kỹ thuật số và bình đẳng giới. Nỗ lực này cung cấp một giải pháp thay thế cho các hoạt động cho vay từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, khác với Trung Quốc, Washington không yêu cầu tài sản thế chấp hay tiến hành các thỏa thuận không cho phép tiết lộ giữa các bên.
Các nhà lãnh đạo thuộc khối G7 cũng kỳ vọng, kế hoạch của họ sẽ tạo ra một mối quan hệ đối tác xây dựng cơ sở hạ tầng minh bạch để giúp thu hẹp khoảng cách 40.000 tỷ USD mà các nước đang phát triển cần đến vào năm 2035. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã đánh giá B3W là một "sáng kiến quan trọng" rất cần thiết tại châu Phi - khu vực vẫn còn nghèo nàn về cơ sở hạ tầng.
Có thể thấy, sáng kiến Sáng kiến Vàng đai và Con đường (BRI) đã mang lại cho Trung Quốc tầm ảnh hưởng đáng kể trên toàn thế giới. Đây cũng được xem là một trong các sự kiện địa chính trị lớn nhất thời kỳ gần đây bên cạnh sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 gắn liền với việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, khi có hơn 100 nước đã ký các thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng biển, đường cao tốc, và các dạng cơ sở hạ tầng khác.
B3W và BRI
Nhận định về vấn đề này, Jonathan E. Hilman, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích, B3W vẫn còn chặng đường dài để đi. Trên thực tế, cả BRI và B3W đều có một số ưu điểm và nhược điểm. Theo một số báo cáo, các dự án nằm trong sáng kiến BRI đang gây ra tình trạng nợ không bền vững.
Cùng với đó, các quốc gia như Ethiopia, Ai Cập, Yemen, Ukraine, Syria và Afghanistan có nguy cơ không thể hoàn trả khoản vay lớn cho Trung Quốc. Thứ hai, vì BRI hoàn toàn được tài trợ bởi Trung Quốc, điều gì sẽ xảy ra nếu bất ổn chính trị xảy ra ở Trung Quốc? Mặt khác, COVID-19 đã khiến 20% dự án BRI bị chậm trễ.
Tương tự, B3W cũng có một số nhược điểm. Thứ nhất, các nước G7 chưa có kế hoạch đầu tư 40 nghìn tỷ đô la Mỹ thích hợp. Thứ hai, đây là một sáng kiến đa phương và có sự tham gia của các thành viên G7, tuy nhiên các nhà lãnh đạo Đức, Ý và Anh đang có những quan điểm khác nhau trong việc đối chọi với Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 5 năm liên tiếp. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rõ ràng rằng lợi ích của EU và Mỹ ở Trung Quốc không giống nhau. Ý phản đối lập trường chống Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G7. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố không ai muốn trở thành một phần của một cuộc chiến tranh lạnh mới. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2020.
Trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã không thực hiện bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào ở nước ngoài kể từ năm 1948. BRI không được đưa ra để kiềm chế ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Đó là một kế hoạch kinh tế tham vọng của Trung Quốc. Các khoản đầu tư nằm trong sáng kiến BRI đang được thực hiện vào cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng và viễn thông chắc chắn sẽ giúp kết nối nội vùng.
Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của B3W khi nhiều quốc gia vẫn đang ủng hộ BRI. Pakistan có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã nhiều lần nói rằng tương lai của Pakistan là với Trung Quốc. CPEC, dự án hàng đầu của BRI, được thực hiện ở Pakistan có tổng giá trị là 25,2 tỷ đô la Mỹ và tạo ra 75.000 việc làm.. Mỹ đã cố gắng hết sức để thuyết phục Pakistan rằng CPEC là một cái bẫy nợ nhưng Pakistan vẫn kiên quyết thực hiện các dự án này.
Tiến sĩ Yu Jie, một thành viên nghiên cứu cấp cao tập trung vào Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết, vào tháng 6 rằng BRI đã đối mặt với những trở ngại trong việc thu hút sự ủng hộ của khu vực tư nhân. Do đó, B3W có thể gặp phải những vấn đề tương tự.
“Đối với B3W, tôi chỉ đang đặt câu hỏi làm thế nào để các chính phủ G7 có thể thuyết phục khu vực tư nhân tham gia sáng kiến này và xây dựng mức lợi tức đầu tư bền vững. Có rất nhiều trở ngại, và còn quá sớm để nhận định về sự cạnh tranh giữa B3W và BRI", chuyên gia này chỉ ra.
Có thể bạn quan tâm