Omicron có làm thay đổi chiều đại dịch COVID-19?
Cho đến nay, mặc dù biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn mọi biến thể khác nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn
>>Bài học đối phó với Omicron nhìn từ Nam Phi
Chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có thêm bằng chứng về việc Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng trước đó. Ông Abdi Mahamud - quản lý sự cố của WHO nhận định: “Chúng ta đang thấy ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh rằng biến chủng Omicron chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và không có khả năng gây viêm phổi nặng giống như các biến chủng khác”.
Đồng quan điểm, Monica Gandhi, nhà miễn dịch học tại Đại học California ở San Francisco, Mỹ cũng chỉ ra: "Thế giới bây giờ ở trong một giai đoạn hoàn toàn khác. Virus sẽ luôn tồn tại cùng chúng ta, nhưng tôi hy vọng rằng biến chủng mới sẽ khiến chúng ta có khả năng miễn dịch nhiều đến mức giúp chấm dứt đại dịch".
Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy những người nhập viện trong làn sóng thứ tư, trong đó Omicron là chủng trội, có nguy cơ bị bệnh nặng thấp hơn 73% so với làn sóng thứ ba do Delta gây ra. Dữ liệu hiện nay khá đáng tin cậy, khi số ca nhiễm và nhập viện có xu hướng biến động khác nhau.
Giới nghiên cứu cho biết, có một số yếu tố dường như đã làm cho Omicron mang ít độc lực hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng trước. Một trong số đó là khả năng lây nhiễm vào phổi của virus. Nhiễm trùng COVID-19 thường bắt đầu từ mũi và lan xuống cổ họng. Ở ca nhẹ, virus thường ít khi vượt qua đường hô hấp trên. Nếu virus tấn công vào phổi, đó thường là khi các triệu chứng nghiêm trọng xảy ra.
Tuy nhiên, 5 nghiên cứu riêng biệt được công bố trong tuần qua cho thấy biến thể này không dễ dàng xâm nhập vào phổi như các chủng trước. Trong một nghiên cứu, được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản, chuột hamster và chuột đồng nhiễm Omicron ít bị tổn thương phổi và có nguy cơ tử vong thấp hơn nhiều so với những biến chủng khác. Tương tự, tại Hong Kong, các nhà khoa học đã nghiên cứu một số mẫu mô phổi từ các bệnh nhân và phát hiện Omicron phát triển chậm hơn trong các mẫu mô đó so với những biến thể khác.
>>Những đột biến của Omicron tiết lộ những gì?
Đặc biệt, nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi, Mỹ và Anh cho thấy các kháng thể được tạo ra trong quá trình nhiễm Omicron có thể bảo vệ con người khỏi Delta và biến chủng khác. Trong thời gian ngắn, Omicron có thể khiến số ca nhiễm nCoV gia tăng, nhưng về lâu dài, khi Omicron là chủng trội, thế giới sẽ ghi nhận ít ca nhập viện hơn so với viễn cảnh Delta hoành hành.
Alex Sigal, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Durban, tác giả nghiên cứu mới cho biết: "Omicron có khả năng đánh bại Delta. Đây là điều tốt, bởi chúng ta đang cần thứ gì đó để chung sống dễ dàng, ít làm gián đoạn cuộc sống hơn các biến chủng trước đây".
Omicron càng lây lan nhanh thì càng nhanh thay thế biến thể Delta trở thành biến thể chủ đạo, tức là thay thế biến thể độc hơn. Mặt khác, các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron cũng không khác nhiều so với nhiễm cúm và cũng kéo dài trong 4-5 ngày.
Trên thực tế, tại Mỹ và Anh, những người khỏi bệnh sau khi nhiễm Omicron đều có lượng kháng thể cao hơn. Các số liệu về các ca nhập viện vì Omicron cũng mang đến những thông tin tương tự. Với biến thể Delta, cứ 100 người nhiễm thì 30 người nhập viện trong vòng 3-4 ngày sau khi nhiễm. Với Omicron, tỷ lệ nhập viện là từ 10-13ca/100 ca và trong số những người nhập viện thì có 50% không cần trợ thở oxy.
Đó chính là lý do mà kể cả khi số ca mắc mới dâng cao nhanh chóng tại các quốc gia như Mỹ và Anh, tình trạng vẫn chưa bị coi là nghiêm trọng.
Về cơ bản, khi virus tăng khả năng lây nhiễm, nó sẽ tự nhiên suy giảm theo thời gian. Một ngày nào đó chủng mới này sẽ chỉ gây cảm cúm thông thường hoặc có thể biến mất hoàn toàn như virus gây dịch SARS, dù virus gây dịch MERS vẫn tồn tại và xuất hiện lẻ tẻ.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng, vẫn nên cẩn trọng trước biến thể Omicron. Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Copenhaghen (Đan Mạch) thực hiện và công bố cho thấy tình trạng lây nhiễm thứ phát COVID-19 diễn ra nhanh chóng do biến thể Omicron có khả năng né tránh kháng thể do vaccine tạo ra.
Omicron có khả năng gây lây nhiễm thứ phát cao gấp 2,7-3,7 lần so với Delta trong cộng đồng những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, đối với những người đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản của vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ này là 2,61 lần, và đối với những người đã được tiêm mũi tăng cường, Omicron gây tỷ lệ lây nhiễm thứ phát cao hơn 3,66 lần so với Delta.
Như vậy, nhưng những người đã tiêm phòng thì có nguy cơ nhiễm Omicron cao hơn nhiều so với khả năng nhiễm Delta. Tuy nhiên, với việc Omicron gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn, các chuyên gia vẫ lạc quan cho rằng, đại dịch Covid-19 đang đến hồi kết thúc.
Có thể bạn quan tâm
Bài học đối phó với Omicron nhìn từ Nam Phi
11:00, 02/01/2022
Quảng Nam ghi nhận 14 trường hợp dương tính biến chủng Omicron
10:54, 31/12/2021
Loại Kit test nào có thể phát hiện biến thể Omicron?
14:28, 30/12/2021
Thế giới thúc đẩy giải mã biến chủng Omicron
04:39, 30/12/2021
Chuyên gia nói gì về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron tại Việt Nam?
13:02, 29/12/2021