Thực hư việc tiêm 3 mũi vaccine vẫn nhiễm Omicron
Nhiều dấu hiệu cho thấy, một số người đã tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm biến chủng Omicron.
>>Omicron có làm thay đổi chiều đại dịch COVID-19?
Hiện nay các chuyên gia đang bày tỏ sự lo ngại khi Omicron lây lan cả ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao - những nơi về mặt lý thuyết là có khả năng miễn dịch cao.
Mới đây, sự kiện siêu lây nhiễm diễn ra ở quần đảo tự trị Faroe của Đan Mạch cho thấy, 21/33 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã tiêm 3 liều vaccine Covid-19 nhưng vẫn nhiễm Omicron. Thậm chí, trước khi tham gia sự kiện 36 giờ, tất cả đều đã xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh.
Theo Olivier Schwartz, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Pasteur, vaccine chỉ có thể bảo vệ ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, vaccine vẫn có tác dụng làm chậm quá trình lây lan. Biến chủng Omicron có vẻ kháng lại với hầu hết các kháng thể đơn dòng hoặc những kháng thể được tạo ra tiêm chủng đầy đủ, hay cả với những người trước đó đã bị nhiễm COVID- 19.
Tuy nhiên, điều này không nằm ngoài dự đoán của giới khoa học. Ngay cả với những biến chủng cũ, chẳng hạn như Delta, giới khoa học đã khẳng định vaccine không cung cấp khả năng tránh nhiễm virus, tức là hoàn toàn ngăn ngừa mắc bệnh.
"Các loại vaccine có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc cung cấp khả năng ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng hoặc tử vong. Sự bảo vệ này là đặc biệt quan trọng”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Nếu những người được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm biến chủng Omicron, trái ngược với việc bị ốm nặng, sốt nhiều ngày và khó thở, v.v., họ có thể chỉ bị bệnh nhẹ như bị cảm. Mặc dù những ca nhiễm vẫn có khả năng lây truyền sang người khác, nhưng việc không có nhiều ca bệnh nặng sẽ giúp việc điều trị tại nhà đơn giản hơn và không gây áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng.
Bên cạnh đó, dù Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn so với người đã tiêm chủng đầy đủ, đây vẫn là căn bệnh nguy hiểm với nhóm chưa được tiêm chủng mũi vaccine nào.
Chính vì vậy, đối tượng dễ bị tổn thương, việc tiêm thêm một liều vaccine tăng cường là điều cấp thiết. Người trên 80 tuổi có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng gấp 300 lần so với người dưới 40 tuổi.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh câu chuyện, liệu có nên tiêm vaccine Covid-19 định kỳ hàng năm hay không? Hàng chục chuyên gia cho rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, nỗ lực tiêm vaccine Covid-19 vài tháng một lần là thiếu thực tế. Chiến lược này cũng không đem lại nhiều ý nghĩa về mặt khoa học.
>>Bài học đối phó với Omicron nhìn từ Nam Phi
Tiến sĩ Egon Ozer, chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm tại Northwestern Medicine nhấn mạnh: “Không có loại vaccine nào là hoàn hảo để trở thành một viên đạn thần kỳ ngăn chặn mọi dịch bệnh. Khi vẫn còn rất nhiều chủng virus vẫn đang tồn tại, mọi người vẫn có thể nhiễm bệnh ở một mức độ nào đó”.
Trên thực tế, rất khó để ngăn chặn virus trong thời gian dài. Virus đã tiến hóa vượt trội hơn nhiều so với trước đây. Chính vì vậy, thay vì tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 6 tháng một lần, thế giới cần một loại vaccine đặc hiệu với mọi biến chủng của virus Corona, hoặc phát triển thuốc điều trị dành riêng cho Covid-19.
Trong giai đoạn mới của đại dịch, các quốc gia cần giảm tỷ lệ nhập viện. Cho đến thời điểm hiện tại, vaccine vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để ngăn ngừa lây nhiễm, cần tính toán đúng thời điểm tiêm tăng cường dựa trên tỷ lệ lưu hành của biến chủng trong cộng đồng.
Cùng với đó, giới chuyên gia cũng khuyến nghị, sử dụng khẩu trang, xét nghiệm hay thông gió, đều đóng vai trò quan trọng và cần tiếp tục được duy trì trong tương lai. Mặt khác, người dân cũng cần tiêm phòng cúm để tránh nhiễm “flurona”, một dạng nhiễm cùng lúc cả cúm mùa và Covid-19.
Có thể bạn quan tâm