Dịch bệnh tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Việc Trung Quốc và các quốc gia châu Á xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể Omicron đang gây lo ngại sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
>>Ùn tắc nông sản biên giới: Đa dạng phương thức xuất sang Trung Quốc
Số ca nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron ở Trung Quốc gia tăng đang khiến các nhà sản xuất và chủ doanh nghiệp lo lắng về sự gián đoạn hoạt động bên trong nền kinh tế Trung Quốc, nếu chính quyền không thể ngăn chặn được sự lây lan của biến chủng này.
Vào năm 2020 và 2021, các nhà máy ở Trung Quốc vẫn có thể mở cửa hoạt động trong đại dịch để sản xuất mọi thứ từ thiết bị y tế đến máy tính xách tay để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng được xác nhận hàng ngày kể từ giữa tháng 10/2021 và có khả năng cần phải có những biện pháp kiểm soát khắt khe hơn nữa để hạn chế sự lây lan của Omicron, đã dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cảng và nhà máy khi nhiều thành phố tiến hành phong tỏa diện rộng.
Kể từ cuối tháng 12/2021, các quan chức đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 ở một số thành phố của Trung Quốc, bao gồm cảng phía đông Thiên Tân, Tây An ở miền trung Trung Quốc và trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến, đặc biệt là cảng container bận rộn thứ ba trên thế giới Ningbo-Zhoushan, gần Thượng Hải.
Viễn cảnh về sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục xảy ra trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang làm gia tăng lo ngại rằng sự gián đoạn sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, các công ty bao gồm nhà sản xuất chip Samsung Electronics Co., nhà sản xuất ô tô Volkswagen AG của Đức và công ty dệt may cung cấp cho Nike Inc. và Adidas AG đang gặp khó khăn trong sản xuất.
>>Thách thức chiến lược zero Covid của Trung Quốc trong năm 2022
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng những hậu quả tiềm ẩn lần này sẽ nghiêm trọng hơn vì tính chất dễ lây lan của Omicron và thời điểm mùa mua sắm cho tết Nguyên đán 2022 đang đến gần.
Trên thực tế, Thomas O’Connor, chuyên gia chuỗi cung ứng tại Gartner Inc. ở Sydney nhận định, quốc gia này vẫn là trung tâm sản xuất toàn cầu, và việc gián đoạn hoạt động sản xuất hoặc các hoạt động logistics bị ngưng trệ trong thời gian dài do Covid-19 sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế thế giới khi tình trạng thiếu tài xế xe tải, phi công, nhân viên siêu thị và các nhân viên tuyến đầu khác gia tăng, làm kéo dài tình trạng khan hiếm nguồn cung trong suốt phần lớn năm 2022, khiến giá cả tăng vọt.
Đồng quan điểm, Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc, cho biết: “Sự gia tăng số lượng ca nhiễm Omicron trên khắp Trung Quốc và phần còn lại của châu Á có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng trong năm nay. Nhưng lần này, tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn năm 2021 do vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong nguồn cung toàn cầu”.
Nhiều khả năng, một số nhà kinh tế dự báo Trung Quốc có thể gia tăng thêm các chính sách hạn chế và báo trước về khả năng sẽ có một đợt phong tỏa với quy mô toàn quốc kể từ tháng 4/2020.
“Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ những gì đang xảy ra tại đây vì Omicron có tiềm năng thay đổi đáng kể bức tranh ở Trung Quốc so với năm 2020 và 2021”, Guillaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus SE, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới cho biết trong cuộc họp vào đầu tuần này. Mặc dù cho đến nay chưa có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào trong nước, kể cả ở Thiên Tân, nhưng nếu các nhà máy sản xuất buộc phải đóng cửa trong thời gian dài, chuỗi cung ứng sẽ rơi vào tình trạng đứt gãy và tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Chắc chắn, tác động của dịch bệnh tại Trung Quốc không mạnh như ở Australia, Nhật Bản hay Mỹ, nhưng với việc Thế vận hội mùa đông sắp tới và các sự kiện chính trị được sắp xếp vào cuối năm nay có thể khiến các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn trong việc ngăn chặn biến chủng lây lan. Mới đây, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,3% dựa theo diễn biến dịch Covid-19.
Các nhà kinh tế của Ngân hàng Mỹ cảnh báo rằng châu Á vẫn chưa chứng kiến làn sóng dịch Covid-19 lớn do Omicron, có nghĩa là tác động tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Nếu biến thể Omicron lan rộng khắp châu Á sau khi quét qua Mỹ và châu Âu, điều này có thể làm tăng lạm phát và có khả năng thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Có thể bạn quan tâm
Ùn tắc nông sản biên giới: Đa dạng phương thức xuất sang Trung Quốc
14:00, 13/01/2022
Trung Quốc nới lỏng quy tắc “ba lằn ranh đỏ”
11:29, 10/01/2022
“Tường lửa vĩ đại”: Trung Quốc âm mưu gì?
06:30, 10/01/2022
Thách thức chiến lược zero Covid của Trung Quốc trong năm 2022
03:14, 07/01/2022
Trung Quốc công khai mở ứng dụng ví Nhân dân tệ kỹ thuật số
11:03, 05/01/2022